Mittwoch, 4. März 2009

Từ đồng chí thành kẻ thù

Quân Trung Quốc đánh Lạng Sơn năm 1979

Quân Trung Quốc đánh Lạng Sơn năm 1979

Vì sao cuộc chiến biên giới Việt - Trung 1979 xảy ra? Một số nhà phân tích nhấn mạnh vai trò của những tranh chấp trên bộ và trên biển giữa hai nước; xung đột Việt - Trung tại Campuchia; và vai trò của người Hoa trong quan hệ Việt - Trung.

Những người khác thừa nhận tầm quan trọng của những yếu tố này, nhưng đặt chúng trong bối cảnh xung đột lớn hơn giữa Liên Xô và Trung Quốc (TQ). Phân tích của tôi dựa trên cái nhìn sau để xem lại những sự kiện lớn xảy ra trước cuộc chiến 1979.

Quan hệ Việt - Trung sau 1975

Những người cộng sản TQ xem quan hệ với cộng sản Việt Nam (VN) chủ yếu qua lăng kính của mâu thuẫn Xô - Trung gia tăng sau khi quan hệ đồng minh Xô - Trung sụp đổ đầu thập niên 1960.

Từ cái nhìn này, những diễn biến trong 10 năm trước 1975 thật làm họ lo ngại. Trong cuộc chiến Đông Dương lần Hai (1965-75), Liên Xô thay thế TQ, trở thành nhà cung cấp chính về quân sự và kinh tế.

Sau 1975, TQ không rõ về ý định chiến lược của Hà Nội đối với Moscow. Sự triệt thoái của Mỹ khỏi Đông Nam Á sau Hiệp định Paris 1973 giúp gỡ bỏ một đối trọng của Liên Xô trong vùng, và làm phức tạp cố gắng phản kích Liên Xô của Trung Quốc.

Tháng Tám 1975, trong chuyến đi quan trọng nhờ giúp đỡ kinh tế, Phó Thủ tướng và Chủ tịch Ủy ban Kế hoạch Nhà nước Lê Thanh Nghị đã thăm Bắc Kinh trước khi sang Moscow. Họ không thể đạt thỏa thuận về gói viện trợ của TQ cho VN.

Sang tháng Chín, VN lại thử tìm viện trợ. Mặc dù lần này có thỏa thuận về gói kinh tế, nhưng TQ không giúp về quân sự. Trong dấu hiệu chứng tỏ họ lo ngại về quan hệ Việt - Xô, một chủ đề quan trọng được thảo luận trong chuyến thăm là về mục tiêu của LX ở Biển Đông. Đáng chú ý, vào cuối chuyến thăm, hai bên không ra tuyên bố chung.

Có vị thế kinh tế tương đối mạnh hơn TQ, Liên Xô hào phóng hơn với VN. Trong chuyến thăm Moscow tháng Mười của Tổng Bí thư Lê Duẩn, Liên Xô đồng ý viện trợ 3 tỉ đôla từ 1976 đến 80.

TQ hẳn cũng để ý lời ngợi ca dạt dào dành cho Liên Xô trong tuyên bố chung cuối chuyến thăm của lãnh đạo VN. Đáng nói, tuyên bố chung ủng hộ chính sách hòa hoãn (detente) của Liên Xô, vốn bị TQ chống đối.

Một bước ngoặt quan trọng trong quan hệ Việt - Xô là Đại hội Đảng Lao động Việt Nam lần Bốn tháng 12.1976. Những nhân vật gắn bó với TQ bị cô lập. Hoàng Văn Hoan, Ủy viên Bộ Chính trị từ 1956 và Đại sứ ở TQ từ 1950-57, mất hết chức vụ trong đảng. Ba cựu đại sứ tại TQ cũng mất chức Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng.

Ngày 7.6.1977, Thủ tướng Phạm Văn Đồng ghé Bắc Kinh trước lúc sang Moscow. Khi gặp Phó Thủ tướng Lý Tiên Niệm hôm 10.6, hai bên thẳng thắn bàn nhiều chủ đề, kể cả cáo buộc một số viên chức VN có tuyên bố chống Tàu, bất đồng về biên giới đất liền và biển, và sự ngược đãi người Hoa ở VN. TQ nói họ vẫn sẵn sang cho việc cải thiện quan hệ.

Hơn ba tuần sau, Lê Thanh Nghị thăm Moscow để ký nhiều thỏa thuận kinh tế. Trên đường về, ông ghé Bắc Kinh nhưng không tìm thêm được gói kinh tế nào.

Ngày 30.7.1977, hai tuần sau khi VN và Lào ký hiệp ước đồng minh, Ngoại trưởng TQ Hoàng Hoa có bài diễn văn nhắc nhiều tới sự nguy hiểm của "chủ nghĩa xét lại Sô Viết", và công khai cảnh cáo VN về hậu quả của một cuộc xâm lấn Campuchia.

Vấn đề Campuchia

Càng lúc Campuchia càng trở thành trường đấu cho xung đột Xô - Trung và Việt - Trung. TQ kiên quyết chính sách bảo đảm sự tồn tại của một Campuchia độc lập, cai trị bởi chính thể Khmer Đỏ thân cận với TQ.

Những người cộng sản TQ xem quan hệ với cộng sản Việt Nam chủ yếu qua lăng kính của mâu thuẫn Xô – Trung

LX thì bảo trợ cho VN, trong khi VN thì muốn Campuchia và Lào nằm gọn trong vòng ảnh hưởng của mình. Đã thắng Pháp, Mỹ và nay làm đồng minh của Liên Xô, VN sẽ không để ảnh hưởng với Lào và Campuchia bị TQ và Khmer Đỏ đe dọa.

Cuối tháng Chín 1977, xung đột nổ ra tại biên giới VN - Campuchia, cùng với nó là sự xấu đi trong quan hệ Việt - Trung. Lê Duẩn thăm Bắc Kinh tháng 11.1977, muốn có thêm viện trợ kinh tế.

Nhưng lấy cớ gặp khó khăn mấy năm qua, TQ cho hay họ không thể cấp viện trợ. VN cũng không làm bữa tiệc đãi chủ nhà như thông lệ. Ngày hôm sau, Tân Hoa xã đăng bài lên án COMECON, khối tương trợ kinh tế Sô Viết mà VN mới nộp đơn gia nhập.

Sau chuyến thăm của Lê Duẩn, TQ bày tỏ sự gắn bó với Campuchia. Ngày 3.12.1977, Phó Thủ tướng TQ Trần Vĩnh Quý dẫn phái đoàn tới Campuchia. Không lâu sau đó, các đợt đánh phá của Khmer Đỏ vào VN khiến VN mở cuộc tấn công lớn.

Đến ngày 18.1.1978, để chứng tỏ cam kết bảo vệ, quả phụ của Chu Ân Lai, Đặng Dĩnh Siêu, thăm Phnom Penh.

TQ thấy có bàn tay của Liên Xô đằng sau hành động của VN. Trong lúc xảy ra các va chạm ở biên giới Việt - Cambodia, ngày 19.1.1978, Tân Hoa xã khẳng định Moscow hy vọng lợi dụng thù địch giữa VN và Campuchia để tăng ảnh hưởng ở Đông Á.

Nghĩa trang liệt sĩ ở Lạng Sơn

Cuộc chiến Việt - Trung 1979 để lại nhiều hệ lụy

Những diễn biến sau đó trong chính sách của VN với người Hoa làm TQ càng tin Hà Nội theo đuổi chính sách gắn kết với Liên Xô chống TQ.

Tại hội nghị của Đảng tháng Hai 1978, Hà Nội quyết định đánh tư sản mại bản ở miền Nam. Ngày 23.3, Hà Nội loan báo quốc hữu hoa toàn bộ doanh nghiệp tư.

Trong một chiến dịch dùng bạo lực, đến giữa tháng Tư, chính quyền đã thu gom hơn 30.000 doanh nghiệp tư ở miền Nam, mà đa số do người Hoa sở hữu. Nó đã tạo ra cuộc trốn chạy lớn cả ở biên giới Việt - Trung phía bắc và ra đến Biển Đông.

Ngày 30.4, Bắc Kinh chính thức có tuyên bố, bày tỏ lo ngại cho người tị nạn và nói họ đang theo dõi tình hình. Cùng ngày hôm đó, đảo chính ở Afghanistan đã đưa lãnh đạo thân Xô, Nur Mohammed Taraki, lên nắm quyền. Nó được VN thừa nhận ngày 3.5.

Nhìn từ Bắc Kinh, đây là thêm một bước bao vây của Liên Xô. Ngày 26.5, TQ loan báo gửi tàu đến VN để đón về những người Hoa đang trốn chạy. Ngày 7.6, Đặng Tiểu Bình nói thẳng "VN đang ngả về Liên Xô, kẻ thù của TQ."

Ngày 16.6, TQ loan báo sẽ đóng cửa tòa lãnh sự ở TP. HCM và lãnh sự quán VN ở Quảng Châu, Côn Minh và Nam Ninh.

Tháng Sáu năm đó, VN chính thức gia nhập COMECON. Ngày 3.7, Bắc Kinh dừng mọi viện trợ cho Hà Nội. Hội đàm song phương về người Hoa cũng bế tắc.

VN quyết tâm chống lại cố gắng hạn chế ảnh hưởng của họ tại Campuchia. Trong một cuộc gặp tại Hà Nội giữa Lê Duẩn và đại sứ Nga, ông Duẩn bày tỏ ý định "giải quyết cho xong vấn đề [Campuchia] trước đầu năm 1979." Hiệp ước Việt - Xô được ký ngày 3.11.1978.

Phản ứng của TQ là chuẩn bị tâm lý cho quốc tế cho một đáp trả mạnh mẽ chống lại trục Hà Nội - Moscow.

TQ tìm cách thắt chặt quan hệ với Nhật và ASEAN. Đặng Tiểu Bình thăm Tokyo tháng Tám 1978, ký hiệp định hữu nghị và hòa bình. Đáng chú ý, nó có đoạn "chống sự độc bá" mà được xem là nhắm vào Liên Xô.

Rồi đến tháng 11, sau khi Thứ trưởng Ngoại giao VN Phan Hiền (tháng Bảy) và Thủ tướng Phạm Văn Đồng (tháng Chín) thăm Đông Nam Á, Đặng Tiểu Bình cũng công du Malaysia, Singapore, Thái Lan.

Sau khi đã mở màn công tác ngoại giao, Trung Quốc bày tỏ thái độ cứng rắn với VN. Bức điện Bắc Kinh gửi Hà Nội ngày 13.12 cảnh báo "sự kiên nhẫn và kiềm chế của TQ có giới hạn".

Ngày 25.12.1978, quân VN bắt đầu đánh Campuchia. TQ phản ứng bằng cách lên kế hoạch cho cuộc chiến biên giới. Trong khi đi thăm Mỹ, Đặng Tiểu Bình thông báo cho chính quyền Carter rằng VN sẽ trả giá.

Theo Cố vấn An ninh của Tổng thống Carter, Zbigniew Brzezinski, Đặng nói với chủ nhà rằng TQ "xem là điều cần thiết khi kiềm hãm tham vọng của VN và cho chúng bài học hạn chế thích hợp".

Đúng như lời Đặng, ngay sau khi ông trở về nhà, TQ mở cuộc chiến chống VN trong tháng Hai và Ba 1979. Các cựu "đồng chí và anh em" (lời của Hồ Chí Minh) nay hóa ra là kẻ thù.

Về tác giả:Ông Nicholas Khoo lấy bằng tiến sĩ ở Đại học Columbia, Mỹ với luận án về quan hệ giữa Trung Quốc với Liên Xô và Việt Nam thời Chiến tranh Lạnh. Quyển sách của ông, dựa trên luận án, dự kiến sẽ được NXB ĐH Columbia in. Ông hiện dạy tại ĐH Liverpool, Anh.



Việt Nam làm gì để tự vệ?

Ai sống cạnh một anh hàng xóm khổng lồ trong một thế giới vô chính phủ cũng phải canh cánh câu hỏi: Khi nào thì anh ta có thể đánh mình, và làm sao để mình không bị anh ta đánh?

Quân đội Trung Quốc

Đây cũng là một câu hỏi thường trực cho các chính sách quốc phòng và ngoại giao của Việt Nam, và anh hàng xóm khổng lồ của Việt Nam là Trung Quốc.

Quy luật lịch sử

Khi nào thì Trung Quốc có thể đánh Việt Nam? Tương lai không thể nói trước được, nhưng nếu lịch sử cho thấy có quy luật thì có nhiều khả năng quy luật đó sẽ tiếp tục ứng nghiệm trong tương lai.

Lịch sử từ khi nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ra đời có ba lần lớn và một số lần nhỏ hơn Trung Quốc ra quân đánh Việt Nam.

Lần thứ nhất năm 1974, Trung Quốc chiếm quần đảo Hoàng Sa từ tay Việt Nam Cộng hòa.

Lần thứ hai năm 1979, Trung Quốc tấn công toàn tuyến biên giới trên bộ, vào sâu nhiều chục cây số, phá huỷ cơ sở vật chất, rồi rút về sau đúng một tháng.

Lần thứ ba năm 1988, Trung Quốc chiếm 6 bãi đá trong vùng lân cận các đảo do Việt Nam kiểm soát ở quần đảo Trường Sa, riêng vụ đụng độ chiếm đá Gạc Ma (Johnson South Reef) bắn cháy ba tàu vận tải và giết khoảng 70 thuỷ thủ của Hải quân Việt Nam.

Những lần đánh nhỏ hơn bao gồm các cuộc tấn công ở biên giới sau cuộc chiến 1979, liên tục cho đến năm 1988. Trong thời gian này, Trung Quốc đã chiếm được một số điểm cao chiến lược dọc biên giới như ở các huyện Vị Xuyên, Yên Minh (tỉnh Hà Giang) và Cao Lộc, Tràng Định (tỉnh Lạng Sơn). Các cuộc lấn chiếm này dường như đã được hợp pháp hóa tại Hiệp ước biên giới trên bộ năm 1999.

Ngoài ra, trên quần đảo Trường Sa sau năm 1988, Trung Quốc đã chiếm thêm các bãi đá ở gần vị trí đóng quân của Việt Nam như Én Đất (Eldad Reef) và Đá Ba Đầu (Whitson Reef) vào các năm 1990, 1992, và sau đó chiếm đá Vành Khăn (Mischief Reef) ở gần Philippin năm 1995.

Thế và Thời

Tư duy chiến lược Trung Hoa đặc biệt coi trọng chữ Thế và chữ Thời. Các cuộc tấn công Việt Nam cho thấy có một quy luật khá nhất quán trong việc Trung Quốc chớp thời cơ vào lúc thế của họ đi lên và thế của đối phương đi xuống để tung quân ra đánh.

Thời điểm tháng 1-1974, Trung Quốc đánh Hoàng Sa đang do Việt Nam Cộng hòa kiểm soát là sau khi Mỹ cam kết chấm dứt can thiệp quân sự ở Việt Nam (Hiệp định Paris tháng 1-1973) và Quốc hội Mỹ cấm Chính phủ can thiệp trở lại (Tu chính án Case-Church tháng 6-1973), tạo ra một khoảng trống quyền lực ở khu vực và khiến cho Việt Nam Cộng hòa chới với không nơi nương tựa.

Trong khi đó thế của Trung Quốc đang dâng lên với việc Bắc Kinh trở thành một thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (tháng 10-1971) và từ địa vị kẻ thù của cả hai siêu cường (Liên Xô và Mỹ) trở thành đối tác của Mỹ (với Thông cáo chung Thượng Hải tháng 2-1972).

Trung Quốc tấn công Việt Nam năm 1979 là để trả đũa Việt Nam đưa quân vào Campuchia nhưng cũng là khi thế của Việt Nam đi xuống trong khi thế của Trung Quốc đi lên.

Một tháng sau khi Việt Nam và Liên Xô ký liên minh quân sự (tháng 11-1978) thì Trung Quốc và Mỹ cũng tuyên bố lập quan hệ ngoại giao. Đồng thời, Việt Nam đang bị thế giới ngoài phe Liên Xô tẩy chay vì chiếm đóng Campuchia nên thế của Việt Nam đang xuống rất thấp.

Các cuộc tấn công của Trung Quốc dọc biên giới trong các năm từ 1980 đến 1988 diễn ra trong bối cảnh Việt Nam tiếp tục bị bao vây cô lập với thế giới bên ngoài trong khi Liên Xô, chỗ dựa chủ yếu của Việt Nam, cũng bị cô lập trên trường quốc tế (do đưa quân vào Afghanistan) và, cộng với những khó khăn kinh tế, phải đi vào giai đoạn hòa hoãn và thỏa hiệp với Trung Quốc cũng như phương Tây.

Quốc huy Trung Quốc và Việt Nam tại cửa khẩu ở Vị Xuyên

Hai nước Việt Trung đã quyết định xong về biên giới trên bộ

Chiến dịch chiếm một phần Trường Sa năm 1988 của Trung Quốc khởi sự từ năm 1986, khi Liên Xô chuyển sang nhượng bộ chiến lược với phương Tây và Trung Quốc, đồng thời rục rịch rút lui ảnh hưởng khỏi Đông Nam Á cũng như toàn thế giới.

Bài nói tại Vladivostok của lãnh tụ Liên Xô Gorbachov ngày 28-7-1986 tỏ ý Liên Xô sẵn sàng chấp nhận các điều kiện Trung Quốc đưa ra để bình thường hóa quan hệ Xô-Trung (Liên Xô rút quân khỏi Afghanistan và giảm căng thẳng ở biên giới Xô-Trung, Việt Nam rút quân khỏi Campuchia) đánh dấu sự thay đổi chiến lược trong chính sách của Liên Xô ở châu Á, đồng thời cũng là chỉ dấu cho thấy thế của Liên Xô đi xuống và thế của Trung Quốc đi lên.

Trong các năm sau, việc Liên Xô rút lui trong khi Mỹ không trám vào đã thực sự tạo ra một khoảng trống quyền lực ở khu vực.

Trong khi ấy Việt Nam vẫn bám vào Liên Xô mà không phá được thế bị cô lập. Một nghị quyết mật của Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam điều chỉnh cơ bản chiến lược đối ngoại từ dựa vào Liên Xô sang "đa phương hóa" chỉ được thông qua vào tháng 5-1988, hai tháng sau vụ đụng độ ở quần đảo Trường Sa.

Xung đột biên giới giữa Trung Quốc và Việt Nam giai đoạn 1980-1988 có thể coi là dư chấn của cuộc chiến năm 1979. Các cuộc chiếm đảo ở Trường Sa thời kỳ 1990-1992 cũng có thể coi là dư chấn của chiến dịch năm 1988.

Thời kỳ 1980-1988, Việt Nam tiếp tục bị bao vây cô lập trong khi Liên Xô, chỗ dựa chủ yếu của Việt Nam, đi vào giai đoạn hòa hoãn và thỏa hiệp với Trung Quốc.

Thời kỳ 1990-1992, tuy là những năm Trung Quốc bị phương Tây cô lập phần nào sau vụ Thiên An Môn, cũng lại là những năm Việt Nam mất hẳn chỗ dựa ở Liên Xô và các nước Đông Âu trong khi vẫn chưa được nhận vào ASEAN và chưa bình thường hóa quan hệ được với Mỹ.

Việt Nam làm gì?

Hiện nay Việt Nam có thể làm gì để Trung Quốc không đánh? Lý thuyết quan hệ quốc tế gợi ý năm phương pháp chính: 1) cùng chung một nhà, 2) ràng buộc bằng lợi ích, 3) ràng buộc bằng thể chế, 4) răn đe quân sự, 5) răn đe ngoại giao.

Phương pháp "cùng chung một nhà" xem ra không ổn vì ít nhất ba lý do. Thứ nhất, Trung Quốc rất thiếu cảm tình với Việt Nam và kinh nghiệm quan hệ với Việt Nam khiến Trung Quốc tin rằng Việt Nam hay tráo trở. Các cuộc thăm dò dư luận ở Trung Quốc cho thấy Việt Nam cùng với Mỹ và Nhật Bản là ba nước bị người Trung Quốc ghét nhất trên thế giới. Thứ hai, Trung Quốc chỉ coi Việt Nam là đồng chí chứ không phải đồng minh. Thứ ba, lịch sử cho thấy quan hệ "gắn bó như môi với răng" giữa Hà Nội và Bắc Kinh vẫn không ngăn được Trung Quốc chiếm quần đảo Hoàng Sa, nẫng tay trên người "đồng chí anh em" Bắc Việt.

Phương pháp "ràng buộc bằng lợi ích" sẽ không ngăn được Trung Quốc đánh ở Biển Đông vì lợi ích của Trung Quốc ở Biển Đông có vị trí rất cao trong chiến lược lớn của Trung Quốc. Biển Đông là yết hầu con đường tiếp tế vật tư và nhiên liệu cho Trung Quốc từ Trung Đông, châu Âu, châu Phi, Nam Á và Đông Nam Á, với 2/3 lượng dầu khí nhập khẩu và 4/5 lượng hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc đi qua.

Biển Đông cũng là bàn đạp để khống chế Đông Nam Á, một khu vực mà nếu Trung Quốc khống chế được thì sẽ có thể quy phục được Nhật Bản và trung lập hóa cả Mỹ lẫn Ấn Độ, còn nếu Trung Quốc không khống chế được thì sẽ không thể ngoi lên địa vị đứng đầu châu Á. Trung Quốc không có lợi ích nào ở Việt Nam, kể cả trong hiện tại lẫn trong tương lai, lớn hơn lợi ích ở Biển Đông để Trung Quốc phải đánh đổi.

Phương pháp "ràng buộc bằng thể chế" càng khó ngăn cản Trung Quốc ra tay khi cần thiết vì Trung Quốc cũng như các nước lớn khác chỉ tuân thủ thể chế quốc tế nếu thể chế ấy phục vụ lợi ích chiến lược của họ. Trong trường hợp lợi ích chiến lược của họ đòi hỏi làm khác đi, họ sẽ có cách giải thích thể chế quốc tế theo kiểu riêng để biện minh cho hành động của mình.

Trung Quốc đã làm như thế khi xâm lăng Việt Nam năm 1979, nói rằng để trừng phạt Việt Nam xâm lăng Campuchia. Đây không phải là đặc điểm riêng của Trung Quốc mà các nước lớn đều như vậy. Mỹ và phương Tây đánh Nam Tư rồi tách Kosovo ra khỏi nước này hay Nga đánh Gruzia rồi tách Nam Ossetia và Abkhazia ra khỏi nước này đều nói là dựa trên luật pháp và thể chế quốc tế nhưng đó là luật pháp và thể chế quốc tế theo cách giải thích riêng của họ.

Ải Chi Lăng

Ải Chi Lăng là di tích lịch sử nhắc lại trận quân Lê Lợi chém Liễu Thăng hồi thế kỷ 15

Phương pháp "răn đe quân sự" không phải là cách mà Việt Nam có thể làm với Trung Quốc trong lúc này vì Việt Nam không có vũ khí hạt nhân để răn đe chiến lược (trong khi Trung Quốc có) và lực lượng quân sự thông thường của Việt Nam hiện còn quá yếu để có thể tạo sức mạnh răn đe chiến thuật đối với Trung Quốc.

Còn lại duy nhất phương pháp "răn đe ngoại giao". Phương pháp này là dùng quan hệ với các nước mạnh hơn Trung Quốc và áp lực của quốc tế để Trung Quốc không dám đánh Việt Nam. Hiện nay trong khu vực, Trung Quốc vẫn phải kiêng dè Mỹ, do đó Việt Nam quan hệ càng gần gũi với Mỹ bao nhiêu càng có tác dụng răn đe bấy nhiêu. Một điểm nữa Việt Nam có thể tận dụng là Trung Quốc muốn thế giới tin rằng họ không phải là mối đe dọa đối với các nước.

Nếu những lấn lướt ức hiếp của Trung Quốc với Việt Nam được thế giới quan tâm và hiểu như bước đầu của một mối đe dọa lớn hơn đối với họ thì thứ nhất, chúng có thể làm Trung Quốc yếu thế đi, và thứ hai, đó cũng là một lý do để Trung Quốc phải cân nhắc kỹ hơn nếu có ý định đánh Việt Nam.

Bài học lịch sử

Quy luật rút ra từ lịch sử ba lần Trung Quốc đánh Việt Nam và qua phân tích năm phương pháp nói trên cho thấy để tránh không bị Trung Quốc đánh, Việt Nam phải làm được ba điều.

Thứ nhất, phải liên tục nâng cao vị thế của mình trên trường quốc tế, đặc biệt chú ý trong tương quan với Trung Quốc. Nếu Trung Quốc có thêm bạn thì Việt Nam cũng phải có thêm bạn mạnh hơn và nếu Trung Quốc xích lại gần các nước thì Việt Nam còn phải xích lại gần các nước hơn. Không bao giờ được để Việt Nam ở thế cô lập hơn Trung Quốc trên thế giới.

Sống cạnh một anh hàng xóm khổng lồ mà không để bị đánh hoặc ăn hiếp quả là rất khó nhưng vẫn có thể được

Thứ hai, phải hết sức bén nhạy với cán cân quyền lực trong khu vực và phải lập tức mạnh dạn điều chỉnh chiến lược đối ngoại khi tương quan lực lượng trong khu vực biến đổi bất lợi cho Việt Nam.

Thứ ba, phải sáng suốt tìm ra ai là kẻ mạnh trong khu vực và đâu là chỗ yếu của Trung Quốc để thực hiện kế răn đe ngoại giao.

Trong dài hạn, chỉ có kết hợp răn đe ngoại giao (kết thân với nước lớn và tranh thủ dư luận thế giới) với răn đe quân sự (quân đội mạnh, đặc biệt hải quân và không quân) và liên tục nâng cao vị thế quốc tế của mình thì Việt Nam mới có thể tương đối yên tâm không bị Trung Quốc đánh.

Sống cạnh một anh hàng xóm khổng lồ mà không để bị đánh hoặc ăn hiếp quả là rất khó nhưng vẫn có thể được, nhất là khi anh hàng xóm đó chưa phải là kẻ mạnh nhất trong vùng.

Bài viết thể hiện ý kiến riêng của tác giả, tiến sĩ Alexander Vuving (Vũ Hông Lâm), không nhất thiết phản ánh quan điểm của Trung tâm Nghiên cứu An ninh châu Á-Thái Bình Dương, Bộ Quốc phòng và Chính phủ Hoa Kỳ.

§§§§§§§§§§§§§§§§§§§§§§§§§§§§§§§§§§§§§§§§§§§§§§§§§§§§§§§§§§§§§§§

Hồi tưởng về chiến tranh biên giới Việt - Trung 30 năm trước - Bùi Tín

30 năm đã qua. Năm nay, Bộ chính trị Hà Nội qua ban tuyên huấn trung ương lệnh cho bộ máy truyền thông - báo, đài, vô tuyến truyền hình - không được nói gì đến cuộc chiến tranh biên giới Việt - Trung. Trong khi đó Trung quốc để cho truyền thông của họ ở vùng Hoa Nam được viết bài kỷ niệm , tưởng nhớ những "anh hùng"(!) đã xả thân 30 năm trước.

Nhưng lịch sử là lịch sử. Làm sao xoá bỏ lịch sử với biết bao dấu tích; làm sao xoá bỏ được sự tưởng niệm của nhân dân đối với hơn 40 ngàn liệt sỹ - quân nhân và đồng bào các dân tộc - đã nằm xuống trên giải đất biên cương những ngày đầu Xuân ấy.

Xin ghi lại vài hồi tưởng cá nhân của tôi về những ngày sôi động xưa.

Những ngày ấy tôi ở đâu

Tôi ở Pnom Pênh, một thành phố chết bắt đầu hồi sinh. Cùng một đơn vị Quân khu IX từ Châu đốc qua Takeo, chúng tôi một nhóm báo chí quân sự 6 người đến sân bay Pochentông / PnomPênh sáng 7-1-1979. Cả thủ đô vắng lặng. Tiếng súng lẻ loi của vài ổ đề kháng tuyệt vọng. Cỏ lút đầu người. 30 vạn dân thủ đô đã bị đuổi hết về nông thôn từ tháng 4-1975 khi quân Khme Đỏ vào. Phố không tên, nhà không số, đường không người, cuộc sống nông thôn không tiền nong, không chợ búa, không trường học, dân không giấy tuỳ thân, không dày dép, không gia đình, ngủ tập thể chia theo trai, gái, đội lao động.

Sứ quán Tàu rộng lớn nhất thủ đô, tài liệu vừa bị thiêu huỷ, còn một đống tro giữa đại sảnh trang hoàng một tranh hoành tráng ghi bài thơ Mao Trạch Đông : "vầng Thái dương trên châu Á". Vẫn còn sót tài liệu chỉ rõ 2 hôm trước, chỉ có 5 sứ quán : Bắc Hàn, Lào, Nam tư, Rumani và Trung quốc. Người TQ mới đây có gần 8 ngàn người rải khắp nước, cố vấn quân sự đông nhất, chuyên gia thuỷ lợi, lâm nghiệp, Tân Hoa xã, có 3 ngàn quân thuộc đơn vị công binh vừa xây xong sân bay cực lớn, đường băng dài 3 ngàn mét ở Cong Pong Chnang. Các đoàn khách lớn đến gần đây là 3 đoàn quân sự, một đoàn do Tổng tham mưu trưởng Quân Giải phóng Trung quốc cầm đầu, 2 đoàn cấp cao nhà nước Tàu do Phó Tổng lý (Thủ tướng) Trần Vĩnh Quý và bà Đặng Dĩnh Siêu cầm đầu. Họ bỏ chạy hết sạch từ 5 ngày nay sang Thái lan, nhưng vết tích còn đầy ra đó.

Từ đó dễ hiểu rằng Tàu tất nhiên sẽ trả thù ta ở miền Bắc. Quả nhiên, đầu năm 1979, Đặng Tiểu Bình sang Mỹ, gặp Carter, huênh hoang báo sẽ cho "Việt nam Tiểu bá" một bài học, dám đi theo Đại bá (Liên xô) ăn hiếp nước nhỏ Cambốt, con nuôi của TQ.

Có người hỏi: ta có bị bất ngờ không. Tôi nhớ lại, có thể nói vừa có, vừa không. Có, vì tình hình biên giới đã căng, rất căng từ giữa năm 1978, khi TQ rút hết mọi chuyên gia, ngưng mọi viện trợ, căng thêm sau khi VN ký Hiệp ước hữu nghị tương trợ với Liên xô vào tháng 11. Cả tuyến biên giới đã báo động đỏ, việc đào hầm hố, công sự, huấn luyện, bổ sung quân số đạn dược được thúc đẩy khẩn trương. Nhưng vẫn bất ngờ, không biết ngày nào chúng khởi sự, và có dám khởi sự hay không vì VN đã gắn chặt với Nga Xô.

Cũng do đó mà hơn 2 quân đoàn bảo vệ miền Bắc vẫn được đưa vào chiến trường Cam bốt; biên giới phía Bắc chỉ có toàn là chủ lực các Quân Khu, lực lượng tham chiến những ngày đầu chủ yếu là bộ đội địa phương 6 tỉnh và 26 huyện biên giới, cùng với bộ đội biên phòng (có hơn 20 tiểu đoàn) và một mạng lưới dân quân khá rộng và dày. Đây là một nét khá đặc sắc, vì từ xa xưa dân miền núi vốn có nếp tự trang bị súng từ thô sơ đến hiện đại để chống thú rừng, săn thú ăn thịt, bảo vệ nương rẫy. Các Quân khu đã phát hàng vạn súng tốt rất rộng rãi cho dân quân các dân tộc Tày, Mường, Mèo, Thái... từ mấy tháng trước.

Ngày cuộc chiến nổ ra (17-2-1979), tôi đang ở Pnom Pênh, theo dõi sự kiện Đoàn cấp cao Việt nam sang dự lễ mừng chiến thắng, do thủ tướng Phạm Văn Đồng dẫn đầu. Sáng hôm ấy sỹ quan Việt nam tập họp trong đại sảnh đại sứ quán Trung quốc cũ để nghe ông Đồng nói chuyện. Ông Đồng đang nói thì tôi thấy tướng Văn Tiến Dũng - bộ trưởng Quốc phòng, đưa lên một mảnh giấy, sau đó ông Đồng thông báo đêm qua TQ đã tiến công trên khắp tuyến biên giới 6 tỉnh. Trưa đó tôi nghe ông Đồng và ông Dũng bàn với nhau: không thay đổi chương trình, vẫn giữ đúng kế hoạch, đi thăm Battambang, XiêmRiep, sáng 20 về Hànội. Trong những ngày ấy, cứ cách từ 2 đến 3 giờ, lại có mật điện của tướng Lê Trọng Tấn và tướng Hoàng Văn Thái báo cáo về tình hình chiến đấu ở biên giới.

Giới báo chí có mặt ở Pnom Pênh náo nức hỏi đường về Sài gòn ngay để trở ra Hànội rồi lao lên biên giới săn tin. Hai bạn thân của tôi là anh Takano, phóng viên Acahata Nhật bản và phóng viên chụp ảnh Pháp Jean Claude Labbé nhanh nhẩu nhất. Thật đáng tiếc thương là Takano lên Lạng sơn chạm trán quân Tàu trưa ngày 27-2 và bị chúng bắn chết ngay gần cầu Lạng sơn. Anh luôn đeo kính cận, nói và viết tiếng Việt khá sõi, tốt nghiệp khoa Văn trường đại học tổng hợp Hà Nội.

Gặp tù binh Trung quốc

2-3-1979, nhóm phóng viên báo QĐND chúng tôi lên Thái nguyên để gặp một số tù binh TQ. Trên đường lên Lạng sơn và Thái nguyên, từng đoàn dân quân, thanh niên, sinh viên của Hà Nội, Hà đông, Sơn tây vai khoác balô cùng xẻng cuốc nô nức đổ lên phía Bắc đào và dựng phòng tuyến chặn bọn xâm lược tiến về thủ đô. Tuần trước đài Nam Ninh/Quảng Tây huênh hoang đe doạ và huênh hoang : Quân Giải Phóng quyết tiến công chớp nhoáng,"sáng sớm ở Lạng sơn, ăn cơm trưa tại Hànội" (!).

Sau hơn 10 ngày chiến đấu, ta đã bắt được hơn 100 trăm tù binh. Có những tên đại đội trưởng, đại đội phó, chính trị viên đại đội, đảng viên cộng sản.

Hai ngày đêm ở Thái nguyên, tôi hỏi chuyện được hơn 60 tên tù binh đủ loại, phần lớn thuộc quân khu Quảng châu do tướng Hứa Thế Hữu chỉ huy. Một số bị thương nhẹ, đã được phía ta chăm sóc.

Sân vận động Thái nguyên khá rộng, đủ chỗ cho hơn 80 tên ở trong hơn 20 phòng nhỏ, vốn là nơi tập luyện bóng chuyền, bóng rổ, võ thuật, nơi hội họp, nghỉ ngơi của vân động viên, nay được ngăn lại. Ở đây việc canh gác chúng được thuận lợi, chúng được tiêu chuẩn ăn như bộ đội ta, với bánh bao làm từ bột mỳ.

Chỉ hỏi chuyện mươi tên, có thể thấy ngay cái ngây ngô của chúng, không hiểu đánh Việt nam để làm gì, vì sao mà xuất quân. Chúng hiểu lơ mơ là Việt nam không tốt, không biết ơn Trung quốc; chúng mong chiến tranh kết thúc vì trên dặn : "đây chỉ là cuộc xuất quân hạn chế trong thời gian, trong không gian". Chúng chỉ chuẩn bị được có hơn 10 ngày là đi, hành quân xuống phương Nam, nghỉ chân 5 hôm là khởi sự.

Chúng sợ ngay từ khi nhập đất Việt vì phải dò mìn, vì lạ địa hình, không am hiểu gì ở phía trước. Chúng luôn bị bất ngờ, bị mìn, bị phục kích, bị bắn tỉa giữa rừng, khi dừng chân bên suối. Chúng hoang mang vì khi ở căn cứ chúng được giải thích sẽ có hàng trăm máy bay đủ loại mở đường, che chở, yểm trợ nhưng chẳng thấy một chiếc nào xuất hiện.

Một tên lái xe tăng loại trung bình Bát-Nhất bị lật nhào bởi mìn, chân phải bị gãy phải nẹp và đi nạng, than vãn là xe tăng không thích hợp với địa hình rừng, đường độc đạo, lắm khe suối, không triển khai được đội hình, thường chỉ đi hàng dọc, dễ làm mồi cho bazôka đáng sợ !

Khí hậu rừng nhiệt đới ẩm, mưa nhỏ đã làm nhão đất thành bùn, hầm hố khó đào cũng thành vấn đề khi chúng phải ngủ giữa rừng. Rồi việc ăn, ngủ, vệ sinh, tắm rửa trên đất địch, lạ lẫm, vắng lặng, đầy cạm bẫy thật không dẽ chịu chút nào. Một hai tên bị bắn chết hay bị thương là thường mất luôn một tiểu đội, phải cáng về phía sau với 2, 3 tên áp tải.

Một viên đại đội phó than vãn, anh ta ra trận, mẹ đang ốm, vợ mới sanh con gái được 2 tháng, quê ở tận Tứ xuyên, từ quân khu Thành Đô xuống tăng cường cho quân khu Quảng Châu, không lòng dạ nào đi xa vào nơi nguy hiểm; luôn buồn bã, ỉu xìu, luôn mồm xin thuốc lá; kể lể mới vào trận có mươi hôm mà đứa nào cũng gầy xọm, sức yếu hẳn, nỗi lo sợ căng thẳng khôn nguôi, còn tăng thêm hằng ngày khi thấy "hoả lực các ông" tăng rõ, "chạm trán các ông" và bị pháo kích, phục kích nhiều hơn, quyết liệt hơn ...Mỗi ngày qua là cảm thấy thêm không có ngày về. Anh ta còn kiêm chức bí thư chi đoàn thanh niên cộng sản, cảm tình đảng,- khi bị bắt còn trong túi áo cuốn Mao tuyển nhỏ bìa nylon đỏ chót. Anh ta không hề dở Mao tuyển ra, cũng không sinh hoạt chi đoàn, vì không biết nói gì với quân lính.

Thật rõ ràng, trong cuộc tấn công xâm lược này, thiên thời, địa lợi, nhân hoà đều bất lợi cho quân Tàu.

Cũng không ngờ, Quân Giải phóng Tàu trình độ văn hoá rất tệ, trong 60 tên tôi gặp, không có một người nào tốt nghiệp trung học, không một người nào biết Bắc kinh ra sao, chữ Hán tất cả đều nguệc ngoạc như gà bới, chỉ có 3 người võ vẽ biết tiếng Anh kiểu vỡ lòng, đọc vài chữ tiếng Anh theo giọng Hồ Nam, kể cả viên đại đội phó và trung đội trưởng lái xe tăng. Quân giải phóng hiện đại hoá năm 1979 mà chậm tiến như vậy đó.

Tận cùng man rợ

Chúng tôi lên Lạng Sơn ngày 8-3 khi được tin Bắc kinh vừa ra lệnh rút quân gấp. Cầu gãy. Sông Kỳ Cùng thuyền đồng bào đã nối nhau trở về cặp bến. Khói còn bốc lên từ nhiều đám cháy, lửa vừa được dập tắt; nhà ga đổ nát, tường sập từng mảng. Đường sắt đứt từng đoạn, cong queo. Chúng phá bằng mìn loại cực mạnh. 60 toa tầu và 2 đầu máy cũ tan tành. Các cơ quan hành chính đều bị phá sập. Giây điện bị cắt nát. Cửa hàng mậu dịch bị đốt cháy, cho đến trường trung học, vườn trẻ bên cơ quan hội phụ nữ, nhà mẫu giáo đều đổ nát không thể ở được. Chúng đốt cháy gần hết thư viện lớn.

Những đồng bào đầu tiên trở về nhà đều buồn rầu đau xót trước cảnh tang thương đổ nát. Xưởng dệt thủ công thổ cẩm đặc sản Lạng sơn bị chúng phá sạch banh, không còn một chiếc máy nguyên vẹn; xí nghiệp khâu cũng vậy. Một kiểu phá hoại triệt để, có hệ thống theo nghiêm lệnh, để triệt đường sinh hoạt lâu dài của người dân. Những chiếc thuyền gỗ bị đâm thủng, ván bị xẻ ra từng mảng nằm dọc bờ sông với lưới lớn nát bấy như bị băm nhỏ.

Vào nhà dân khá giả gần khu chợ, tủ lim, bộ ghế salông cổ mặt đá bị đập nát, gương vỡ tan, mâm đồng bị đâm thủng, nồi to nồi bé bằng đồng, nhôm, sành, đất không còn một chiếc nào còn dùng được; cho đến chiếc xe nôi cho em bé cũng bị chặt gục xuống bên cống.

Không thể nào tưởng tượng một đội quân chính quy của một đảng cộng sản lớn, tự nhận là "vĩ đại"lại có thể hành xử tàn bạo, độc ác, mang bản chất phá hoại phi nhân đến vậy. Quân Tàu Tưởng, quân phát xít Nhật, quân thực dân Pháp đều qua đây, nay là quân Trung Cộng; và kỷ lục về giết dân thường, về tàn phá tràn lan, triệt để, thâm hiểm là thuộc về bọn lính Trung Cộng này đây.

Những điều được trông thấy đã đủ để kinh hoàng. Còn những nơi tôi không được thấy, được ống kính xưởng phim quân đội ghi lại còn khủng khiếp gấp vạn lần. Đó là ở Bát Xát Lào Cai, một bà người Mông bị cả một tiểu đội 9 tên đưa vào hang đá thay nhau hãm hiếp rồi đâm chết trước mặt con trai bà bị trói chặt ở gốc cây khế ngoài cửa hang. Anh giả chết khi chúng bắn vào vai anh trước khi cùng nhau tháo chạy, anh vừa khóc vừa kể. Ở thôn Tông, huyện Hoà An Cao bằng, chúng bị phục kích chết hơn chục tên, chúng uống rượu rồi tàn sát bằng dao, báng súng cả một xóm 43 người, có 21 phụ nữ và 20 em nhỏ, trong số phụ nữ có 7 người mang thai. Gần đó chúng giết người rồi ném 5 xác xuống giếng.

Bộ mặt thú vật ấy của cái gọi là Quân giải phóng Trung Hoa làm sao có thể rửa sạch, phải được lưu truyền trong lịch sử loài người. Sao có thể cấm bà con ta ở 6 tỉnh biên giới không được tưởng niệm người thân đã oan khuất và cấm gia đình nạn nhân và đồng bào nguyền rủa quân sát nhân khốn nạn cùng quan thầy của bọn chúng!

Một mũi tên xuyên 5 con chim ?

Sau 30 năm, nhìn lại cuộc chiến Việt - Trung vùng biên giới, với những tư liệu từ mọi phía được thu thập, có thể thấy Đặng Tiểu Bình thật thâm hiểm đến tột đỉnh.

Nói thật gọn, đây là một viên đạn nhằm bắn xuyên đến 5 con chim. 5 mục tiêu chiến lược ấy là :

- phạt Việt,

- khoe Mỹ,

- đe Xô,

- cứu Pôt,

- và cuối cùng là nhằm hiện đại hoá 3 quân - Hải, Lục , Không quân Trung Quốc.

- phạt Việt : đòn trừng phạt không doạ nổi dân ta, chúng bị trừng phạt

nặng; Bắc kinh thú nhận - dưới xa sự thật, chết 6 ngàn tên, bị

thương 21 ngàn, cộng là 27.000 thương vong trong số 23 vạn

tên nhập Việt . Ngay phía sau là 22 vạn tên hỗ trợ, hậu cần và

dự bị trên đất Tàu. Các quân đoàn chủ lực VN chưa vào trận,

số lớn còn ở Cambốt. Nhóm lãnh đạo CS khiếp sợ và bị kẻ

thù khuất phục cho đến nay vẫn còn sởn.

- khoe Mỹ : Đặng gặp Carter tháng 1-1979, báo trước sẽ đánh VN, Carter

ngầm tán thành, thực tế là khuyến khích, ủng hộ bằng giữ bao

vây, phong toả, cô lập VN; để bọn Pốt ở Liên Hợp Quốc.

- đe Xô: Liên Xô bất động, tuy có Hiệp ước đồng minh tương trợ Xô -

Việt tháng 11- 1978.

- cứu Pốt : Đặng đã tạm cứu được bọn Khme Đỏ trong hơn 10 năm. Sau khi

rút quân khỏi phía Bắc, Đặng tập trung sức vào yểm trợ bọn Pốt ở

biên giới Thái lan - Cambốt, dùng cả giải đất Đông Nam Thái lan

thành đất thánh cho quân Pốt, vận chuyển hàng triệu tấn vũ khí,

trang bị, bom mìn, quân trang quân dụng, mở 12 doanh trại tuyển

quân, luyện quân, 2 trường đào tạo sỹ quan, gài cố vấn Tàu vào 21 sư

đoàn khơme đỏ (nâng từ 16 sư năm1978), chúng càng đánh càng

đông, mạnh, thiện chiến hơn, làm cho quân VN sa lầy, hao quân (chết

hơn 50 ngàn, bị thương hơn 20 vạn/ 10 năm), cuối cùng phải rút hết.

- hiện đại hoá 3 quân ( đặc biệt là tên lửa tầm trung và tầm xa, tàu ngầm

nguyên tử, máy tính hoá quân đội). Chính việc kỷ luật, cảnh cáo tướng Hứa Thế Hữu chỉ huy cánh trái tập đoàn quân nhập Việt vì để thương vong quá cao, và vị tướng này kiểm điểm nêu hết nhược điểm lạc hậu, cổ lỗ, vũ khí quá cũ ( không dám dùng không quân, tên lửa lạc hậu 2 thế hệ, lệnh xung phong cho bộ binh bằng kèn(!) , 500 lính chết oan vì lựu đạn điếc, nổ sớm, súng cối vỡ nòng, đi lạc trong rừng, tự sát ...Giữa năm 1979 Đặng phác hoạ chương trình hiện đại hoá quân đội gấp, tăng gấp 3 ngân sách quốc phòng, luôn lấy thất bại ở VN làm nỗi nhục dân tộc nước lớn...Chương trình táo tợn ấy nêu rõ cả đóng Hàng không mẫu hạm, một số tàu ngầm nguyên tử, một loạt tên lửa thế hệ mới, cơ giới hoá hàng quân đoàn hoàn chỉnh, bao gồm cả chinh phục vũ trụ với hàng loạt vệ tinh mới.

Theo di huấn của Đặng, Giang Trạch Dân, rồi đến Hồ Cẩm Đào hiện nay đều đặt ưu tiên cho hiện đại hoá quốc phòng, được phát động mạnh mẽ sau nỗi "nhục" 2 tuần lễ 1 tập đoàn quân chính quy bị giáng trả bởi những lực lượng địa phương trên đất Việt, đúng 30 năm trước.

Keine Kommentare: