Sonntag, 29. März 2009

Thời sự kinh tế: Trung Quốc phá Ðô La

Ngày 13 Tháng Ba vừa qua, Thủ Tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đã nói trước Quốc Hội Trung Quốc rằng ông muốn nước Mỹ phải bảo đảm giá trị của những món nợ mà Trung Quốc cho chính phủ và các ngân hàng Mỹ vay, ông nói thẳng là “Chúng tôi rất lo ngại.” Không nói rõ, ai cũng hiểu, mối lo đó có hai phần. Một là lo các con nợ không trả được đầy đủ vốn và lãi. Hai là khi nợ được trả lại bằng đô la Mỹ, đồng tiền đó sẽ mất giá, chủ nợ sẽ bị thiệt.

Ngày Thứ Hai vừa qua, trang nhà trên mạng lưới của Trung Quốc Nhân Dân Ngân hàng đăng một bài tham luận của ông Chu Tiểu Xuyên trong đó nhà lãnh đạo Ngân Hàng Trung Ương của Trung Hoa đề nghị thế giới phải bớt lệ thuộc vào đồng đô la Mỹ. Muốn vậy, phải tạo ra một thứ tiền tệ chung để thay thế đô la Mỹ trong việc giao thương cũng như dự trữ ngoại tệ. Hiện nay Trung Quốc có một quỹ dự trữ ngoại tệ vĩ đại, trong đó 2 phần 3 là đô la Mỹ, và tổng số trị giá 1,950 tỷ đô la. Công bố bài của ông Chu Tiểu Xuyên, bằng chữ Hoa và chữ Anh, là một bước mới trong chiến dịch của giới lãnh đạo Trung Quốc tấn công vị trí của đồng tiền Mỹ, phê bình hệ thống tài chánh Mỹ nói chung và gán trách nhiệm cho nước Mỹ gây nên cuộc khủng hoảng tín dụng hiện nay, làm cho kinh tế thế giới đồng loạt lâm nguy. Trong một tuần nữa các nhà lãnh đạo 20 nước sẽ gặp nhau trong hội nghị thượng đỉnh ở London, Anh Quốc. Giới lãnh đạo Trung Quốc lên tiếng trước để có thể ảnh hưởng trên cuộc hội nghị này.

Khi nhà lãnh đạo một nước lớn trực tiếp kêu gọi thay thế đồng đô la trong quỹ dự trữ các quốc gia, nhiều người cho rằng lời nói đó sẽ gây hậu quả tức thời là giá trị đồng đô la phải tụt xuống. Nếu chính phủ Trung Quốc bán bớt một số trái phiếu mà họ đã mua của nước Mỹ, hoặc họ ngưng mua các trái phiếu mới khi vài chục tỷ giấy nợ cũ đáo hạn, thì do luật cung cầu giá những trái phiếu của Mỹ sẽ giảm và giá trị đô la Mỹ cũng giảm theo. Cho nên họ chỉ cần nêu lên ý kiến đó thôi cũng đủ gây xáo trộn cho đồng tiền của Mỹ rồi.

Nhưng trong ngày hôm qua thị trường tiền tệ quốc tế không nao núng về giá trị đồng đô la. Ngược lại, cho đến cuối ngày, giá đô la Mỹ đã tăng lên so với đồng Euro của nhiều nước Âu Châu, và đồng Yen Nhật Bản. Hiện tượng trên xác nhận một lần nữa rằng giới lãnh đạo Trung Quốc không thể ngưng việc tích trữ những giấy nợ tính bằng đô la Mỹ ở trong nhà được. Và địa vị đồng đô la trên thế giới vẫn chưa bị nao núng, mặc dù kinh tế và tài chánh Mỹ đang bị trì trệ, khủng hoảng, và trên thế giới đang có những ngoại tệ mạnh khác có thể thay thế đô la.

Trong lịch sử gần đây có một lần thế giới đã thay thế đồng tiền thông dụng nhất, đó là khi đô la Mỹ chiếm địa vị của đồng “Bảng” (pound) của Anh Quốc, để trở thành đồng tiền chung, siêu quốc gia. Một đồng tiền chung như vậy đóng hai vai trò, thứ nhất là để dùng trong mọi giao dịch thương mại. Các nhà sản xuất ở Brazil bán cho những nhà nhập cảng ở Phi Luật Tân, hay một công ty ở Ý vay nợ một ngân hàng ở Nam Phi. Các giao dịch đó dùng một đồng tiền làm đơn vị, thay vì phải đổi từ tiền nước này sang tiền nước khác, thì sẽ tránh được nhiều phí tổn và nhiều thứ rủi ro. Vai trò thứ hai của mọi đồng tiền là để dành, dự trữ tài sản một cách giản dị và ít tốn kém.

Muốn thay đổi đồng tiền thông dụng cho nhiều quốc gia, phải mất một thời gian chuyển tiếp rất lâu dài. Từ năm 1979 các nước Âu Châu đã đặt ra một đơn vị tiền tệ chung gọi là ECU, nhưng không trở thành thông dụng được. Hai chục năm sau với quyết tâm chính trị của nhiều quốc gia, đồng Euro mới ra đời thay thế cho sáng kiến trên khi mươi nước đồng lòng chịu chi các phí tổn để đạt được kết quả này. Giữa thế kỷ trước, đô la Mỹ lên ngôi thay thế đồng pound Anh Quốc là do địa vị của nền kinh tế Anh đã suy sụp sau hàng trăm năm giữ vai trò thống ngự tài chánh quốc tế. Ðồng đô la lên ngôi sau khi đã được nhiều người chấp nhận, và năm 1945 đã được một hội nghị tài chánh quốc tế đồng ý dùng làm đồng tiền tiêu chuẩn. Năm 1969, các quốc gia đã thỏa thuận đặt ra một “đồng tiền” chung, gọi là SDR (Special Drawing Rights) do Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế phát hành, để tính sổ sách nợ nần với Quỹ IMF, nhưng chưa bao giờ được sử dụng như một đồng tiền thật trong dân gian. Khi ông Chu Tiểu Xuyên đề nghị tạo một đồng tiền chung cho thế giới, có lẽ ông nhắm đến việc làm cho đơn vị giao hoán SDR này trở thành thông dụng, dù mang một tên khác - cũng như đồng Euro là hậu thân của ECU vậy.

Nhưng để cho đồng Euro ra đời, các nước tham dự phải trả một cái giá là từ bỏ bớt chủ quyền, ít nhất trong lãnh vực chính sách tiền tệ. Chính phủ các nước này không còn khả năng thay đổi lãi suất, thay đổi khối lượng tiền lư hành, do đó cũng không nắm chắc được các chính sách về tiết kiệm, đầu tư ở trong nước mình. Họ nhường cho một định chế chung, là Ngân Hàng Âu Châu ấn định những chính sách đó. Ðến bao giờ các nước trên thế giới chấp nhận sự hy sinh đó? Bao giờ những quốc gia lớn như Nhật Bản, Ấn Ðộ, Trung Quốc, Nam Hàn, Brazil, Nam Phi, và Nga, vân vân, sẽ thỏa thuận được với nhau về vấn đề này? Trong thời gian chuyển tiếp từ đồng đô la Mỹ sang đồng tiền quốc tế mới, có những phí tổn thì các quốc gia chia nhau chịu đựng ra sao? Ðó là những trở ngại, về chính trị và về kỹ thuật, khiến cho việc thay thế đồng đô la Mỹ còn phải chờ nhiều thập niên nữa mới thành tự được.

Hiện nay khi thế giới sử dụng đô la Mỹ để giao dịch và dự trữ ngoại tệ thì nhiều quốc gia cũng chịu thiệt thòi để nước Mỹ được lợi. Chúng ta có thể tưởng tượng một người có quyền in tiền ra để tiêu dùng thì giầu có biết bao nhiêu! Nước Mỹ đang đóng vai trò như vậy. Người có quyền in tiền đó chỉ bị giới hạn là phải giữ tín nhiệm, làm sao cho đồng tiền của mình luôn luôn có giá trị thật, là do vì quyền lợi của chính mình mà thôi. Nhưng các nước khác đã quen hưởng những ích lợi của việc dùng đồng tiền chung, và cũng quen chịu đựng những thiệt thòi, cho nên muốn thay đổi sẽ khó khăn.

Chúng ta biết rằng mỗi đồng bạc là một thứ giấy nợ. Trên mỗi đồng đô la Mỹ có ghi: Federal Reserve Note, nghĩa là “giấy nợ của Hệ Thống Dự Trữ Liên Bang.” Một nước phát hành thêm tiền nghĩa là phát thêm giấy nợ cho thiên hạ cất vào túi; nói cách khác là đi vay của thiên hạ về mà sử dụng! Chính sách tiền tệ của Mỹ ảnh hưởng tới tất cả các nước dùng đô la Mỹ để quy định hối suất đồng tiền của mình. Kể từ Tháng Tám năm 2008 đến Tháng Ba năm 2009, Ngân Hàng Trung Ương Mỹ đã phát hành thêm hơn 770 tỷ đô la để cho nhiều ngân hàng và công ty tài chánh vay, kể cả nhiều ngân hàng trung ương các nước; và trong tuần trước ông chủ tịch Hệ Thống Dự Trữ Liên Bang mới cho biết sẽ phát hành thêm hơn một ngàn tỷ đô la nữa để mua các công trái và trái khoán nhiễm dựa trên địa ốc. Trong khi đó, các nước Á rập bán dầu lửa và Nhật Bản, Trung Quốc vẫn tiếp tục làm chủ nợ của nước Mỹ. Ông Ôn Gia Bảo rất có lý khi tỏ ý lo lắng về giá trị đồng đô la xuống, do đó, giá trị những công trái của chính phủ Mỹ và các trái khoán tư ở Mỹ mà Trung Quốc đã mua (mỗi thứ trên 700 tỷ Mỹ kim) sẽ lên xuống mà chính phủ Bắc Kinh không có chút quyền kiểm soát nào trên đó.

Có một chuyện chắc không thể nào xẩy ra trong thời buổi này, nhưng cũng nên nhắc lại. Thời Tổng Thống Franklin Roosevelt, ông đã bãi bỏ không dùng vàng làm bản vị cho đồng đô la nữa. Với một chữ ký của ông tổng thống, đồng tiền xuống giá khiến tất cả các món nợ tính bằng đô la Mỹ bị mất 75%! Hôm trước, cho vay một đô la là một đô la; hôm sau con nợ trả lại một đô la thì giá trị chỉ còn 25 xu thôi! Hiện nay đồng đô la không dựa trên vàng hay một thứ gì khác, ngoài giá trị của nó khi trao đổi. Giá trị đó hoàn toàn do chính phủ Mỹ bảo đảm, nếu kinh tế Mỹ còn giữ được tiềm năng mạnh nhất thế giới. Người ta tin ở đồng đô la vì biết có thể dùng để mua hàng hóa và dịch vụ ở nước Mỹ. Chính khả năng sản xuất, làm việc, cải tiến, phát minh, khi cung cấp hàng hóa và dịch vụ của dân Mỹ, là thứ bảo đảm cho đồng đô la.

Ngày hôm qua, Thứ Ba, Tổng Thống Mỹ Barack Obama đã họp báo để trấn an dân Mỹ cũng như thế giới về các chương trình cứu nguy hệ thống tài chánh Mỹ. Những điều ông Obama nói không có gì mới hơn những tin tức đã được loan báo trong một tuần. Ngày Thứ Hai, ông bộ trưởng tài chánh đã công bố chương trình giải tỏa những chứng khoán nhiễm độc hiện đang “nằm chết cứng” trong các ngân hàng. Ðặc điểm của kế hoạch này là chính phủ Mỹ đã kêu gọi giới đầu tư tư nhân tham dự việc mua các chứng khoán này, thay vì chỉ có chính phủ đúng ra mua như đã có người đề nghị. Có thể nói là chính phủ Mỹ đang tìm cách “dụ dỗ,” đã “hối lộ,” mua chuộc các ngân hàng và quỹ đầu tư để họ cùng giải tỏa cái nút kẹt làm tắc nghẽn cả hệ thống kể từ giữa năm ngoái tới giờ. Khi thị trường chứng khoán tăng thêm 500 điểm trong ngày Thứ Hai, người ta thấy là phản ứng có vẻ thuận lợi. Ngày Thứ Năm, ông Bộ Trưởng Tài Chánh Timothy Geithner lại ra trước Quốc Hội điều trần về kế hoạch cải tổ toàn diện hệ thống kiểm tra ngân hàng và các công ty tài chánh, đầu tư ở Mỹ. Ngày Thứ Sáu, ông Obama sẽ gặp các người lãnh đạo hàng chục ngân hàng lớn nhất nước Mỹ để nghe phản ứng của họ trước những kế hoạch trên, cũng như nghe ý kiến họ phê bình ngân sách mà chính phủ đang muốn xin Quốc Hội phê chuẩn. Ít khi một ông tổng thống Mỹ đích thân gặp riêng các “chủ ngân hàng” như vậy. Ngày Thứ Tư chính ông sẽ đi gặp các đại biểu Quốc Hội đảng Dân Chủ để “lóp bi” cho ngân sách này. Trong ngày Thứ Ba, ông Obama đã đăng một bài ý kiến trên 31 tờ báo khắp thế giới, để chuẩn bị dư luận trước ngày ông sang London họp với các nước G-20. Thị trường sẽ đáng giá tất cả những hành động đó để cho thấy người ta tiên đoán kinh tế nước Mỹ ra sao.

Dù chính phủ Bắc Kinh có nói Ðông nói Tây, cuối cùng giá trị của đồng đô la Mỹ sẽ tùy thuộc vào sức mạnh kinh tế lâu dài của nước Mỹ. Nhưng chúng ta có thể tin khi nào các điều kiện đã chín mùi, vai trò của đồng đô la sẽ bị thay thế mà không gây xáo trộn nào cho kinh tế thế giới cũng như cho nước Mỹ. Chuyện đó có thể xẩy ra trong vòng 30 hay 50 năm nữa, hay lâu hơn?

Ngô Nhân Dụng