Sonntag, 6. Januar 2008

BÙI MINH QUỐC


Posted by Picasa
BÙI MINH QUỐC

MUỐI

Ngày Tết, ngồi trước mâm cỗ ê hề đủ món, chợt có lúc lòng tôi chùng xuống nhớ về muối.Lẩn thẩn chăng ? Không.Tôi nhớ về những hạt muối kết tinh với máu, thấm vào máu tôi suốt bao năm.
Hồi ấy cũng sắp tới một cái Tết, của năm Canh Tuất (1970), tôi nhớ rõ lắm, thời kỳ vô cùng khốn đốn ở chiến trường Khu 5.Các cơ quan Khu trên núi hầu như chẳng biết lấy gì để ăn tết ngoài mấy rẫy sắn ngấm nặng chất độc hoá học Mỹ.Ngay cả muối cũng thiếu. Địch càn quét khắp nơi.Vùng giáp ranh giữa núi và đồng bằng bị chúng đổ quân ràng chặt.

Trên dường đi nhà in về, tôi ghé thăm C14 đóng trong rừng nứa, gần con suối Đăk Nghêu.Lạ thật, không khí ở đây có vẻ rộn rịp, chứ không buồn hiu như ở các đơn vị khác.C trưởng nắm tay tôi rất chặt :

-Tụi em tổ chức ăn tết trước để ngày mai đi làm nhiệm vụ.Mời nhà báo cùng dự.

-Chắc đi ra đường dây xã hội chủ nghĩa ?

Đường dây xã hội chủ nghĩa là tên chúng tôi thường dùng để gọi đường dây 559 – hành lang vận chuyển chiến lược từ miền Bắc vào - nằm tít tận trên đất Lào, từ vùng căn cứ Khu 5 tới đó phải mất ngót nửa tháng leo núi.
-Không, tụi em đi hướng khác.

-Hướng khác thì chỉ có đồng bằng thôi.Mà từ mấy tuần nay, các mũi quân tìm cách thọc xuống đồng bằng kiếm lương thực thực phẩm đều phải quay về hết.Thế mà…?

-Tụi em thì nhất định không quay về.

C14 là một đại đội toàn nữ, chuyên làm nhiệm vụ vận chuyển lương thực thực phẩm cung cấp cho các cơ quan Khu.Mọi người ở căn cứ kháng chiến Khu 5 không mấy ai không biết C14.Trên các nẻo đường mòn trong rừng, người ta thường gặp những cô gái nước da vàng bủng vì sốt rét, cõng trên lưng khi thì gùi gạo, gùi muối, khi thì thùng mắm…,lặng lẽ như là không biết nói, lầm lũi trèo đèo, lội suối, vượt dốc.Các cô đi từng tốp năm ba người, có khi chỉ đi một mình, tối đến dừng lại một mình chăng lều, một mình gầy bếp nấu ăn, sáng ra lại lẳng lặng một mình tiếp tục lần bước trên con đường rừng với gùi hàng nặng quá sức, tưởng chừng không thể nào cõng nổi. Đấy chính là các cô gái C14.Mùa mưa lũ ở rừng núi miền Trung cực kỳ nguy hiểm.Chết vì bom, vì pháo, vì đụng biệt kích thì đã đành, nhưng mỗi mùa mưa lũ hàng năm, các cơ quan Khu thế nào cũng phải “cúng” cho Hà Bá khoảng một đại đội, trong đó thường không thể thiếu người của C14, vì C14 là đội quân vận chuyển cơ động, lúc thì phóng xuống đồng bằng móc gạo móc muối lên, lúc thì lặn lội tới tận đường dây xã hội chủ nghĩa đón hàng miền Bắc vào.

C trưởng ghé tai tôi thì thầm :

-Đơn vị em bị đến hơn chục đứa cả năm nay chẳng có kinh nguyệt chi hết.

Tôi biết đó là do lao lực quá.Thường xuyên cõng trên lưng ba bốn chục ký hàng, nắng mưa bất kể, ăn uống thì chủ yếu là sắn với rau tàu bay, rau môn thục, lại sốt rét hành hạ triền miên, cứ thế ngày này qua ngày khác, tháng này qua tháng khác, các cô chẳng có gì ngoài sức trẻ và lòng nhiệt thành bền bỉ của các nữ thánh.

Bữa liên hoan “ ăn tết trước” chiều hôm đó có thịt lợn, nhờ sự tháo vát của bộ phận hậu cần đã đem quần áo lên các nóc đồng bào dân tộc thiểu số tận Kontum đổi về.Các cô kiếm được ít hoa chuối rừng xắt mỏng ăn ghém, gợi nhớ một bữa ăn thuở thanh bình ở quê nhà.
Các cô ăn uống nói cười ríu rít, không khí giống như trong một gia đình đông con.Cô nào cũng trẻ quãng mười tám đôi mươi cả, nhiều cô khá xinh, niềm vui chốc lát khiến gương mặt ửng hồng lên át đi nước da sốt rét thường ngày.Có cô nào đó chợt bảo các bạn : “Ăn đi tụi bay, chuyến này chắc phải vài ba đứa ra đi không về”.Một câu nói đùa, hoặc chỉ là cái giọng đùa đùa, tưng tửng, mà thật, vì đó là sự thật : năm nào đơn vị cũng có người hy sinh.
Nửa tháng sau, vào áp tết, tôi được cơ quan phân công đi lĩnh muối về ăn tết.Lĩnh muối xong, mới nghe chị thủ kho cho biết : muối này do C14 vừa móc về.Một kho muối bí mật của ta nằm trong vòng địch càn, nhưng chúng chưa phát hiện ra.C14 được lệnh luồn qua khe hở giữa đội hình 2 đơn vị địch, bí mật vào kho và chuyển ra được hết.Tốp ra sau cùng đụng phải ổ phục kích, trúng mìn hy sinh tại chỗ hai người, một người bị địch bắt đưa lên máy bay trực thăng chở đi nhưng từ trên máy bay đã nhảy xuống và cũng hy sinh luôn.

Tôi cõng muối trở về, nước muối mặn thấm đẫm lưng áo xát vào da thịt, cứ đến chỗ nào có suối lại phải tháo gùi nhảy xuống nhúng người.Tới tận bây giờ, sau bao nhiêu năm vẫn còn như cảm thấy bỏng rát khắp da thịt, bỏng rát trong từng mạch máu.Thỉnh thoảng cũng có gặp lại các cô gái C14.Một số cô đã có chồng, có con, có cháu.Nhưng một số cô vẫn độc thân, vì bệnh tật triền miên, và nhất là vì tuổi xuân đã hiến trọn cho những hạt gạo hạt muối những năm tháng ấy./.


Ảnh :Tác giả Bùi Minh Quốc trên đường cõng gạo trong rừng căn cứ Trà My (tây Quảng Nam) thời chiến tranh.