Donnerstag, 17. Januar 2008

Huỷ gặp nhau cuối tuần....

Tôi không khoái mấy cái vụ "Gặp nhau cuối tuần" với "Ga la cười" của VTV. Nhưng nhiều khi vẫn cứ phải chiều con gái rượu bằng cách mở ti vi rồi lấy bông... bịt tai! Và quả thật nhiều người cũng thích cái món cười kiểu này. Vì thế mà một dạo thiên hạ đã... nhoắng cả lên vì VTV tung tin đóng cửa chương trình "Gặp nhau cuối tuần" và "Ga la cười". Hình như mấy ông VTV cũng... lần lữa mãi (cũng phải thôi, bởi dù sao đây cũng là đài quốc gia, là sóng quốc gia mà).

Vậy nhưng rồi họ cũng quyết định... hủy! Một thời gian lâu không còn nữa cái khoản "cười" này trên VTV. Con gái hỏi gặng mãi: Ba làm báo, quen biết nhiều, hỏi mấy ổng xem vì sao đóng cửa không cho... cười? Chịu chết, mãi hôm rồi mới giật mình tìm ra câu trả lời.

Tình cờ. Rất tình cờ thôi. Hai lần tôi bật máy và dừng lại thử ở chương trình "Phụ nữ thế kỷ 21". Lần đầu thấy ông đạo diễn tài danh Lê Hoàng đang chất vấn một thí sinh xinh đẹp và cao như người mẫu:

- Em ở Tây Nguyên (thí sinh người Tây Nguyên mà), thế em có biết "Đam San" là cái... loài gì không?

- Dạ em không biết ạ.

- Thế em có biết cái... "Đất nước đứng lên" là gì không? Biết, hoặc... mường tượng được nó là cái... loài gì thì càng tốt. Nhưng em đã bao giờ nghe đến cụm từ này chưa?

- Dạ thưa, thật tình em cũng không nghe không biết cái "Đất nước đứng lên" là... cái gì ạ!

Lần thứ hai, cũng tình cờ dừng lại ở "Phụ nữ thế kỷ 21". Cũng ông đạo diễn tài danh nọ:

- Em có biết nước Việt mình hiện có mấy di sản văn hóa thế giới?

- Dạ đó là vịnh Hạ Long và... nhã nhạc Huế! (thí sinh thứ nhất).

- Dạ hình như đó là... động Phong Nha và... Huế! (thí sinh thứ hai).

Mấy ông bà ban giám khảo không nín được, cười rung cả... màn hình.

Tôi đang đánh mấy dòng này thì con gái hỏi giật "Ba viết gì mà cười rung cả người cả... máy thế?". Ba đang viết về... phụ nữ Việt thế kỷ 21! "Thế sao ba cười?". Thì phụ nữ Việt thế kỷ 21 hay lắm, đáng... cười lắm!

Ừ hay nhỉ. Thế thì cần... quái gì cái "Gặp nhau cuối tuần" với "Ga la cười" nhàm chán nữa! Ừ hay nhỉ. Phụ nữ Việt thế kỷ 21 đáng... cười nhỉ!

NHẤT


Lên bản Mường

Lên bản Mường Vergrößern




Tháng 9/08 vừa rồi tôi có dịp đi ké theo ĐTH Việt nam VTV lên Hoà Bình làm phóng sự do em Chu thanh Bình làm biên tập và anh Thắng làm trưởng đoàn . Đoàn gồm các phóng viên nhà báo quay phim tất cả 7 người kể cả lái xe . Phải nói là đã mấy chục năm xa quê hương nay về thăm lại để lại cho tôi nhiều ấn tượng khá sâu sắc , tuy rằng đất nước mình còn khá ư nghèo nàn và lạc hậu . Sở dĩ tôi dám so sánh là như vậy bởi mình đã sống ở môi trường Tây âu là 1 xã hội phát trển hiện đại và văn minh . Em Bình cho tôi biết trước chuyến đi này là lên 1 bản dân tộc Mường thuộc tỉnh Hoà Bình .
Chuyến đi này được bắt đầu khởi hành vào 8h30 sáng tại 43 đường Nguyễn chí Thanh HN.
Chạy xe khoảng gần 2 tiếng là đoàn đến Hoà Bình xe đến trước UBND tỉnh thì dừng lại riêng em Bình và anh Thắng trưởng đoàn làm đại diện vào UBMD tỉnh chắc là làm thủ tục xin phép hoặc có sự hướng dẫn , giúp đỡ ( tôi nghĩ như vậy ) khoảng 30 phút Bình và Thắng ra xe (sau khi làm thủ tục với ban Lãnh đạo UB xong) theo sau có thêm 2 người nữa làm hướng dẫn viên và cũng là cán bộ công tác trong tỉnh HB lên xe đi cùng . Theo sự chỉ dẫn của 2 thổ công chúng tôi được đi thăm nhà máy TĐ sông Đà . Chạy xe vòng dốc theo sườn đồi lên cao . Từ trên sườn núi nhìn xuống lòng sông . lúc này vào mùa hè nước sông Đà đã cạn . Hai anh thổ công cho biết: Do nước cạn nên nhà máy hoạt động không đủ công suất . Khảng 15 phút sau xe chúng tôi chạy vào khu nghỉ mát trong đó có cửa hàng Restautrant V-star nghỉ ăn trưa tại đó .
Ăn uống nghỉ ngơi ngắm cảnh và chụp 1 số phong cảnh đẹp xong đến 14h tôi cùng đoàn VTV chạy xe vào bản dân tộc Mường cũng theo sự chỉ dẫn của anh Trung bên văn hoá tỉnh HB . Do đường hẹp và xấu vì tránh xe ngược chiều . xe chạy chầm chậm vòng qua mấy quả đồi đuờng được rải đá răm bụi mù lên dốc sau 15 ph là đến Bản . Được cho biết đây là bản du Lịch gọi là Bản Giang và bản Mỗ . Đường đi vào bản chật trội không thể chạy được xe vào cho nên chúng tôi đậu xe ở ngoài đường cái lớn . Vì là bản du lịch cho nên đường đi bộ vào 2 bản Giang và bản Mỗ đều đươch nhà nước đầu tư cho làm đường và đều có cống rãnh thoát nước trông khá sạch sẽ. Nhà đầu tiên chúng tôi đến là nhà sàn của anh Chiều trưởng bản , anh Chiều 49 tuổi người to lớn đậm đà tác phong điềm đạm đón tiếp đoàn khá niềm nở . Trong nhà anh Chiều có mấy người bạn của anh đố là trưởng công an xã và anh Long đội trưởng dân quân . Anh Chiều giới thiệu 1 số phong tục tập quán và 1 số nghi lễ cần biết cho những khi người khách đến chơi , nhà anh khá rộng rãi khang trang sạch sẽ . Theo đề nghị yêu cầu của đoàng phóng viên quay phim muốn anh Chiều cho ghi lại những nét cổ truyền mang tính cách đặc trưng của dân tộc Mường . Anh đều sốt sắng nhiệt tình giúp đỡ tạo đìều kiện cho đoàn phóng viên quay phim tác nghiệp , sau đó anh Chiều còn cho người mang 1 con lợn nặng khoảng 5-6 kg (thường gọi là lợn Mán hay lợn cắp nách mà trong các nhà hàng ăn thường dùng từ này để quảng cáo câu khách ) làm thịt mời khách . Tôi tuy không là nhà phóng viên hay nhiếp ảnh nhưng thấy ấn tượng nên đã dùng Camera của mình quay và ghi lại những phong cảnh núi rừng hoặc dân dã như cảnh chọc tiết và làm thị lợn ra sao và người phụ nữ Mường ngồi dệt vải như thế nào và phong cách thật thà chất phác trong ăn nói cư sử....Tôi sẽ dành cho riêng mình làm kỷ niệm trong thời gian về VN ngắn ngủi này. Có lẽ gần 30 năm sau khi đi lính bây giờ mới có dịp gặp lại . Anh Chiều và anh trưởng CA xã vốn cũng đã đi bộ đội cùng đợt 1979 phía Bắc . Cùng là lính nên tôi làm quen rất nhanh với anh Chiều và anh Trưởng CA xã . Trong khi ngồi nói chuyện với chủ nhà và anh CA xã thì dưới nhà bếp chị vợ anh Chiều đang nấu cơm Lam , thái thịt . Anh Chiều cho biết: Khi khách đến nhà chơi thì phụ nữ Mường không được phép ngồi cùng , kể cả ăn uống . Là con gái hay đàn bà cũng chỉ được ăn và ngủ dưới nhà bếp mà thôi . Khoảng 1 tiếng sau mọi người bưng thức ăn đã nấu xong . Món ăn gồm cơm lam , thịt lợn nấu làm 3 món ( chung quy chỉ là món thịt lợn xào lăn và cho các gia vị nêm khác nhau mà thành món) . Đồ uống khai vị là rượu sắn và rượu chuối . Sau khi đông đủ Chủ nhà rót rượu chúc mời khách . Tôi là người không uống được rượu nhưng lúc này cũng phải cầm chén và quay vòng uống , tôi xin phép anh Chiều và mọi người là sẽ uống nhưng chỉ uống được ít vì bị đau dạ dày. Mọi người đồng ý . Tôi uống đc 2 cốc rượu chuối mà đã thấy ngấm , mặt đỏ ửng .... Tiệc tan tôi và anh Chiều, anh Long, anh Trung và anh CA xã ngồi nói chuyện với nhau hỏi về về quá khứ , hiện tại và cuộc sống hiện tại của các anh . Qua tiếp xúc với các anh tôi rất hiểu những gì họ cần và mong ước dù là rất nhỏ nhoi trong cuộc sống hiện nay. Những cuộc đối thoại này là nằm trong danh mục để tôi tham khảo chứ không nằm trong CT của VTV 4 đã đưa trong mấy số .
Trong chuyến đi HB hiếm có này và tôi thầm cảm ơn em Bình đã tạo điều kiện cho tôi được chuyến đi du lịch đầy ấn tượng và ý nghĩa .

Dienstag, 8. Januar 2008

Hà Nội ngập nặng trong lũ 11-2008


HÀ NỘI LŨ

Hà Nội ngập nặng trong lũ. Tin ấy ai cũng thương và muốn chia sẻ. Tôi cũng vậy.

Nhưng tự dưng lại thấy mắt mình cay cay khi thấy lũ Hà Nội và lũ miền Trung- nơi mà mùa lũ nào tôi và đồng nghiệp của tôi- những nhà báo đều có mặt để cứu trợ. Nhìn lũ Hà Nội, nghe người Hà Nội nói về cái cực trong lũ bỗng dưng thấy tủi thân...

Bỗng dựng lại muốn so sánh.

Một kỷ niệm: Năm 1983, huyện Triệu Hải tỉnh Quảng Trị bị một cơn lũ quét lịch sử. Tôi là nhà báo duy nhất bám theo được một chiếc thuyền máy ngược sông Thạch Hãn lên phía thượng nguồn Ba Lòng. Hoang tàn đến đau đớn. Nhà trôi, những xác chết chưa ai khâm liệm. Trẻ con vất vưởng ở chân những quả đồi đói khát. Thuyền chúng tôi không cập bờ được, chỉ ghé vào cách bờ một quãng rồi chúng tôi ném bánh mỳ vào bờ: Nơi đó có một đám trẻ con nheo nhóc và mấy con chó. Những ổ bánh mỳ cắm chéo xuống bùn, sát bờ. Lũ trẻ con lao ra lấy bánh mỳ. Lũ chó cũng lao ra cướp bánh mỳ. Người và chó dành nhau. Lũ trẻ khoẻ hơn nhưng cũng phái rất vất vã mới kéo giằng khỏi miệng lũ chó ổ mì. Ổ mì nhàu nát với bùn. Nhưng lũ trẻ ăn ngấu nghiến. Tôi đưa máy ảnh lên nhưng không bấm máy được vì nước mắt.

Kỷ niệm khác: Năm kia , tôi quyết định cùng với 2 đồng nghiệp bơi vào vùng rốn lũ của đồng bào Rục. Phải bơi vào vì bà con ngập lũ, bị cô lập 7 ngày mà mọi cấp lãnh đạo đều thả cho dân đói, không đoái hoài. Bà con Rục đói vì lũ, ăn cả nòng nọc
Chúng tôi kết mấy thân gỗ làm bè, bấu vào đấy, dầm trong nước lũ lạnh buốt suốt 4 giờ liền. Vào đến nơi mới hoảng hồn, bà con hết gạo ăn, hết sắn ăn, đã có nhà ăn cả con nòng nọc để sống. Chúng tôi phân phát bánh trái, mì tôm ít ỏi và ít gạo. Rồi chúng tôi lại khẩn cấp bơi ra ngay để kịp viết tin bài phản ánh và yêu cầu lãnh đạo địa phương cứu dân.

Bọ Vinh (đội mũ tai bèo) cùng PV Phan Phương, PV Minh Phong vượt lũ*Ảnh chụp khi đã vào gần bờ


Lại một lần khác, tôi cũng là nhà báo duy nhất có mặt sớm nhất tại khu vực lũ quét huyện Hương Sơn. Và sau đó một ngày, báo Lao Động là tờ báo đưa tin, ảnh, phóng sự sớm nhất về lũ quét Hương Sơn. Dọc đường 8, những người chết lũ được gia đình cho vào quan tài, để dọc đường ô tô vì lũ lớn, không đi chôn được. Quan tài đỏ nằm hai bên mép đường cùng với những tiếng kêu khóc ướt lạnh trong mưa lớn. Một thằng bé ngồi khóc bên đống bùn lớn. Hỏi sao cháu ngồi giữa trời mà khóc. Ba mẹ cháu trong ni. Trong ni là sao. Ba mẹ cháu bị lở núi, vùi trong ni, không ai đào được núi ra cứu ba mẹ. Tôi ôm ghì lấy cháu. Răng ba mẹ cháu lại bị vùi trong ni? Răng ba mẹ cháu lại bị vùi trong ni?

Rồi năm ngoái ở xã Châu Hoá huyện Tuyên Hoá, lũ về, cuốn trôi cha mẹ và một đứa con, nhà còn lại ba chị em gái. Một năm sau tôi lên lại thăm các cháu, thấy ba chị em đang đi tha thẫn dọc bờ sông lở lói. Sao các cháu đi ngoài đó, sao không vào nhà. Cô chị nói: hai đứa em cháu bắt cháu đưa chúng ra tìm ba mẹ cháu...Cháu nói ba mẹ và em ở trong mộ rồi. Hai em cháu không chịu...

Với bà con miền Trung, lũ là đói, rét, chết chóc...

Nhưng tối nay xem ti vi, người Hà Nội nói, lũ ngập không có rau xanh ăn, phải vô siêu thị mua thức ăn khô.

Nghĩ thế cũng rất thương nhưng sao ngoái lại nhìn bà con quê mình lại thấy sống mũi cay xè. Cái khổ của người thành phố mùa lũ lụt và cái khổ của bà con quê mình, có nên so sánh không?

Lại nghe cô bé phát thanh viên VTV1 thông báo là phóng viên nhà đài do lũ to không ra đường quay được, may có người dân quay rồi gửi hình ảnh lũ qua Email. Thế là nổi điên lên. Tiên sư chúng mày nhà báo công tử, nhà báo phòng lạnh, nhà báo salông. Lũ có thế mà không đứa nào ra đường quay, ghi lại, chép lại, chia sẻ với nhân dân, chỉ đứng trên tầng thượng nhà đài mà rút ống kính xuống đường. Phóng viên thường trú tại tỉnh lẻ như chúng tôi, lũ, bão là có mặt ngay lập tức bằng bất cứ giá nào, kể cả mạng sống của mình.


Bão số 5 uy hiếp Cảng Hòn La
Tôi có bức ảnh nổi tiếng in trên báo Lao Động năm ngoái. Bão. Cảng Hòn La ngập trong bão lớn. Tôi thấy nếu đứng xa chụp thì không phản ánh được sự dữ dội của bão. Tôi nhè vào đúng lúc một cơn sóng lớn đang chuẩn bị ập vào, tôi lao ra, bấm máy lia lịa và sau đó, cơn sống lớn đã trùm hết lên người tôi, đẩy bay tôi ra hơn hai chục mét, vùi trong cát, trong đá, toàn thân sây sát phải vào bệnh viện. Đổi lại, báo Lao Động có một bức ảnh bão để đời, bức ảnh chỉ có thể thực hiện khi phóng viên đứng ngay trong tâm bão.

Thế mà nước chỉ ngập đường, phóng viên nhà đài không ra được. Thấy ức với nghề.

Vài cảm nhận thế. Vẫn chia sẻ khó khăn với bà con Hà Nội nhưng khổ, cái chất nhà quê nó thế đấy các bác, thấy người ta cực bằng cái sướng của mình, lại tưng tức nóng mũi mà bình loạn...

Nếu có gì sai là do em " nhận thức còn hạn chế".
-----------------------------------------------------------------
  • Hà Nội mùa này phố cũng như sông...

    Cái rét đầu đông, chân em ngâm nhăn trong nước lạnh...

    Hoa sữa thôi rơi, em tôi bơi cả chiều trên phố...

    Đường Cổ Ngư xưa, ngập tràn nước sông Hồng.

    Hà nội mùa này chiều ko buông nắng...

    phố vắng nghiêng nghiêng vài phao bơi...

    Quán cóc liêu xiêu một ca nô.

    Hồ tây, Hồ Tây mất bờ...

  • Sonntag, 6. Januar 2008

    BÙI MINH QUỐC


    Posted by Picasa
    BÙI MINH QUỐC

    MUỐI

    Ngày Tết, ngồi trước mâm cỗ ê hề đủ món, chợt có lúc lòng tôi chùng xuống nhớ về muối.Lẩn thẩn chăng ? Không.Tôi nhớ về những hạt muối kết tinh với máu, thấm vào máu tôi suốt bao năm.
    Hồi ấy cũng sắp tới một cái Tết, của năm Canh Tuất (1970), tôi nhớ rõ lắm, thời kỳ vô cùng khốn đốn ở chiến trường Khu 5.Các cơ quan Khu trên núi hầu như chẳng biết lấy gì để ăn tết ngoài mấy rẫy sắn ngấm nặng chất độc hoá học Mỹ.Ngay cả muối cũng thiếu. Địch càn quét khắp nơi.Vùng giáp ranh giữa núi và đồng bằng bị chúng đổ quân ràng chặt.

    Trên dường đi nhà in về, tôi ghé thăm C14 đóng trong rừng nứa, gần con suối Đăk Nghêu.Lạ thật, không khí ở đây có vẻ rộn rịp, chứ không buồn hiu như ở các đơn vị khác.C trưởng nắm tay tôi rất chặt :

    -Tụi em tổ chức ăn tết trước để ngày mai đi làm nhiệm vụ.Mời nhà báo cùng dự.

    -Chắc đi ra đường dây xã hội chủ nghĩa ?

    Đường dây xã hội chủ nghĩa là tên chúng tôi thường dùng để gọi đường dây 559 – hành lang vận chuyển chiến lược từ miền Bắc vào - nằm tít tận trên đất Lào, từ vùng căn cứ Khu 5 tới đó phải mất ngót nửa tháng leo núi.
    -Không, tụi em đi hướng khác.

    -Hướng khác thì chỉ có đồng bằng thôi.Mà từ mấy tuần nay, các mũi quân tìm cách thọc xuống đồng bằng kiếm lương thực thực phẩm đều phải quay về hết.Thế mà…?

    -Tụi em thì nhất định không quay về.

    C14 là một đại đội toàn nữ, chuyên làm nhiệm vụ vận chuyển lương thực thực phẩm cung cấp cho các cơ quan Khu.Mọi người ở căn cứ kháng chiến Khu 5 không mấy ai không biết C14.Trên các nẻo đường mòn trong rừng, người ta thường gặp những cô gái nước da vàng bủng vì sốt rét, cõng trên lưng khi thì gùi gạo, gùi muối, khi thì thùng mắm…,lặng lẽ như là không biết nói, lầm lũi trèo đèo, lội suối, vượt dốc.Các cô đi từng tốp năm ba người, có khi chỉ đi một mình, tối đến dừng lại một mình chăng lều, một mình gầy bếp nấu ăn, sáng ra lại lẳng lặng một mình tiếp tục lần bước trên con đường rừng với gùi hàng nặng quá sức, tưởng chừng không thể nào cõng nổi. Đấy chính là các cô gái C14.Mùa mưa lũ ở rừng núi miền Trung cực kỳ nguy hiểm.Chết vì bom, vì pháo, vì đụng biệt kích thì đã đành, nhưng mỗi mùa mưa lũ hàng năm, các cơ quan Khu thế nào cũng phải “cúng” cho Hà Bá khoảng một đại đội, trong đó thường không thể thiếu người của C14, vì C14 là đội quân vận chuyển cơ động, lúc thì phóng xuống đồng bằng móc gạo móc muối lên, lúc thì lặn lội tới tận đường dây xã hội chủ nghĩa đón hàng miền Bắc vào.

    C trưởng ghé tai tôi thì thầm :

    -Đơn vị em bị đến hơn chục đứa cả năm nay chẳng có kinh nguyệt chi hết.

    Tôi biết đó là do lao lực quá.Thường xuyên cõng trên lưng ba bốn chục ký hàng, nắng mưa bất kể, ăn uống thì chủ yếu là sắn với rau tàu bay, rau môn thục, lại sốt rét hành hạ triền miên, cứ thế ngày này qua ngày khác, tháng này qua tháng khác, các cô chẳng có gì ngoài sức trẻ và lòng nhiệt thành bền bỉ của các nữ thánh.

    Bữa liên hoan “ ăn tết trước” chiều hôm đó có thịt lợn, nhờ sự tháo vát của bộ phận hậu cần đã đem quần áo lên các nóc đồng bào dân tộc thiểu số tận Kontum đổi về.Các cô kiếm được ít hoa chuối rừng xắt mỏng ăn ghém, gợi nhớ một bữa ăn thuở thanh bình ở quê nhà.
    Các cô ăn uống nói cười ríu rít, không khí giống như trong một gia đình đông con.Cô nào cũng trẻ quãng mười tám đôi mươi cả, nhiều cô khá xinh, niềm vui chốc lát khiến gương mặt ửng hồng lên át đi nước da sốt rét thường ngày.Có cô nào đó chợt bảo các bạn : “Ăn đi tụi bay, chuyến này chắc phải vài ba đứa ra đi không về”.Một câu nói đùa, hoặc chỉ là cái giọng đùa đùa, tưng tửng, mà thật, vì đó là sự thật : năm nào đơn vị cũng có người hy sinh.
    Nửa tháng sau, vào áp tết, tôi được cơ quan phân công đi lĩnh muối về ăn tết.Lĩnh muối xong, mới nghe chị thủ kho cho biết : muối này do C14 vừa móc về.Một kho muối bí mật của ta nằm trong vòng địch càn, nhưng chúng chưa phát hiện ra.C14 được lệnh luồn qua khe hở giữa đội hình 2 đơn vị địch, bí mật vào kho và chuyển ra được hết.Tốp ra sau cùng đụng phải ổ phục kích, trúng mìn hy sinh tại chỗ hai người, một người bị địch bắt đưa lên máy bay trực thăng chở đi nhưng từ trên máy bay đã nhảy xuống và cũng hy sinh luôn.

    Tôi cõng muối trở về, nước muối mặn thấm đẫm lưng áo xát vào da thịt, cứ đến chỗ nào có suối lại phải tháo gùi nhảy xuống nhúng người.Tới tận bây giờ, sau bao nhiêu năm vẫn còn như cảm thấy bỏng rát khắp da thịt, bỏng rát trong từng mạch máu.Thỉnh thoảng cũng có gặp lại các cô gái C14.Một số cô đã có chồng, có con, có cháu.Nhưng một số cô vẫn độc thân, vì bệnh tật triền miên, và nhất là vì tuổi xuân đã hiến trọn cho những hạt gạo hạt muối những năm tháng ấy./.


    Ảnh :Tác giả Bùi Minh Quốc trên đường cõng gạo trong rừng căn cứ Trà My (tây Quảng Nam) thời chiến tranh.