Freitag, 13. März 2009

Đi tắt . Xưa và nay .


333
Những năm 70-85 thời bao cấp. Tôi còn nhớ hồi đó mọi người còn hút thuốc lá trong nước sản xuất , và chất lượng ngon hay không ngon cũng tuỳ loại đi với tên tuổi quen biết của dân nghiền thuốc . Ví dụ thời đó còn có thuốc lá Sông Cầu , Sapa , Sông Hương , Thủ đô , Du Lịch . Nếu xịn thì hút thuốc ngoại 555 . Cũng là dân hút thuốc lại rất hay ngồi lê la hàng quán cho nên tôi cũng du nhập được những ngôn từ mang tính XH mà có khi những nhà văn cũng không biết ( mà có biết các nhà văn đó cũng không dám viết lên mặt sách hay báo) vừa bậy bạ và cũng hài hước nữa . Hồi bao cấp thì già đình nào kinh tế cũng xêm xêm như nhau nếu có hơn nhau thì hơn miếng thịt nhiều trong bữa ăn hoặc tiêu chuẩn tem phiếu cao nếu hơn nữa thì trong nhà có Xe đạp Pháp , tv đen trắng hoặc máy khâu hiệtu Singer hoặc con Bướm....Nói chung không có sự chênh lệch giầu nghèo cao như bây giờ . Tôi nhớ hồi đó cũng láu lĩnh nghịch ngợm và quái vật . Cũng do ngồi lê la hàng quán nhiều nên tôi cũng quen biết 1 số anh chị buôn bán có máu mặt của Quận , TP . Những anh chị này rất khoái ngồi buôn dưa lê với những tay hay châm biếm, hài hước . Nhất là những tay làm nghề Báo chí , bởi mấy anh này có nhiều ngôn từ sách vở lại thêm ngôn từ của mấy tay buôn bán chập lại . Thôi rồi , mấy ông này ngồi nói chuyện với nhau mà nghe hết muốn về luôn . Có 1 lần tôi có việc đại loại là phải nhờ vả đến 1 người cho công việc của mình được dễ dàng , nếu đưa tiền thì hơi kỳ mà rủ đi ăn thì ông "ấy" đâu thiếu . Tôi có đem câu chuyện này nói với 1 anh dân buôn bán quen (cũng hay ngồi hàng quán mà nên quen) , anh nói : Chú mày thật, loại đấy (ý nói ông"ấy") cũng hút thuốc đúng không ? Nếu hút thuôc thì cho 1 tút(10 bao) là xong . Rồi anh nói tiếp : Mày nên nhớ "Sông Cầu" là đầu câu chuyện , mà "Sapa" đứng xa ra 1 chỗ , "Du Lịch" thì đứng dịch vào đây ! Mà "555" vừa nằm vừa ký , thằng em ạ . Anh cười ha hả .... và tôi chợt hiểu .
Tôi thực hiện như anh "xi nhan" và công việc của tôi muốn đã ....toại .
Sau này tôi nghĩ , mà đúng thật mình nhờ vả người ta mà không có gì cũng không hay . Thời nay chẳng ai giúp ai không công bao giờ cả , nếu vì công vịêc .
Như 1 trường hợp gần đây nhất đối với tôi , đó là ở sân bay Nội Bài tháng 10 vừa qua sau chuyến về thăm VN . Tôi đã típ 200.000 đ cho cậu CA Hải Quan cửa khẩu tên là Thắng vì 1 lý do duy nhất là Thắng phục vụ tận tình chu đáo , thái độ nhã nhặn , lịch thiệp , vô tư không 1 điều kiện đòi hỏi . Tôi tặng cho anh CA với 1 ấn tượng cảm mến và cũng do thói quen ảnh hưởng sống trong 1 XH tư bản trong tôi . Có nghĩa là tốt thì tặng , xấu thì bỏ . CA Thắng trẻ nhận tiền típ từ tay của tôi mà vẫn còn ngạc nhiên , ngại ngùng .
Thời bao cấp tôi chứng kiến hồi đó là vậy và hiếm nghe thấy những điều gì to tát hoặc giá trị lớn như bây giờ .
Điếu đóm , mang ơn hay trả công theo tôi nghĩ 2 cái đó hoàn toàn khác nhau . Thời nay nhiều người nếu không hiểu rõ nguyên do thì sẽ hiểu nhầm : Đó là hối lộ , tham nhũng .
Phải nói hẳn ra thời buổi bây giờ quà cáp, biếu xén , trả công cho nhau ...kinh thật . Nào là cho tặng nhau 1 mảnh đất mặt tiền giá trị , 1 quả Biệt thự, 1 con xe giá trị nhiều tỉ đồng.....để đạt 1 công việc theo ý muốn . Việc gì thì tôi ntn không biết , chắc là to lắm ! Tôi nghe cứ vãi cả.....đái .
Đúng là càng về sau này hình thức càng ngày càng tinh vi phát triển đồng nghĩa tỉ lệ thuận với cao trào kinh tế phát triển . Tôi thấy sự chênh lệch giầu nghèo ngày hôm nay kinh khủng khiếp thật !
Chỉ những mong trở lại như ngày xưa , tuy nghèo nhưng ai ai cũng lại chơi và quan hệ bình đẳng với nhau .... Tiếc thật !!!

NHỮNG PHẬN NGƯỜI CHẾT CHẬM

Bài viết này đã công bố trên Văn Nghệ Trẻ số 11 (15/3/2009).

Hẹn với Minh Chuyên về Thái Bình tìm hiểu vấn đề tam nông và hậu chiến, nhưng đã mấy lần tôi đều lỡ hẹn. Lần này, anh lại rủ và báo tin Tòa án tối cao cấp Liên bang bên Mỹ vừa bác đơn kiện của các nạn nhân chất độc da cam Dioxin Việt Nam khiến tôi không thể lần khân. Xe chúng tôi lao đi lúc mờ sáng, trong giá rét lay phay mưa bụi. Lòng mỗi người đều nóng rực nỗi niềm cảm thông, muốn chia sẻ với những phận người đang phải từng giờ chịu đựng và chết dần chết mòn vì di họa chiến tranh vừa thua kiện bởi lẽ phải thuộc về kẻ mạnh chăng?...

Thái Bình qua điều tra có 27.934 người nhiễm chất độc da cam, trong đó thế hệ thứ nhất có hơn 19.000 người, thế hệ 2 có khoảng 7.000 người, còn lại là thế hệ thứ 3. Bạn bè với Minh Chuyên đã lâu, cộng tác làm phim tài liệu với anh cũng nhiều, tôi biết đôi chân anh đã từng cày nát khắp nẻo đường quê Thái Bình, làm nên những tác phẩm về nạn nhân chất độc da cam rung động lòng người xem trong nước và trên thế giới như Có một vùng quê, Cũi trần gian, Cha con người lính… Vậy mà mỗi lần về quê, anh lại phát hiện thêm nhiều nạn nhân nhiễm độc rất thương tâm, càng sang thế hệ thứ 3 càng quái dị bởi sự biến đổi gien trầm trọng hơn thế hệ thứ 2 rất nhiều. Lần này cũng vậy, tôi và Minh Chuyên được ông Hồ Sĩ Hải - Phó chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam của tỉnh dẫn đi chứng kiến nhiều nhiều trường hợp mới, éo le, chua xót khiến tôi rùng mình kinh hãi!

“Hầm bí mật” giữa trung tâm thành phố

Không phải là những căn hầm bí mật nuôi cán bộ cách mạng thời chống Pháp năm xưa. Ở khắp các làng quê Thái Bình, những căn hầm kiểu ấy nhiều vô kể xiết bởi trước đây có dịp qua xã Đồng Tiến, huyện Quỳnh Phụ, tôi đã từng được nghe câu ca dao nổi tiếng: “Gái Đồng Tiến cầm liềm phá bốt - Trai Quan Đình vác cuốc đuổi Tây”. Ngày nay, giữa một thành phố trẻ sôi động nhịp sống của kinh tế thị trường cạnh tranh khốc liệt, đôi khi vì cuộc mưu sinh và nhiều lý do tế nhị, có những gia đình phải giấu kín nỗi đau da cam, giam con mình nhiều năm trong hầm kín đáo, khiến một thời gian dài đến ngay cả ông Chủ tịch và bà Bí thư Đảng ủy phường, nhà ở sát nách cũng không hề biết. Ông Nguyễn Văn Kim ở con hẻm nhỏ đường Lý Bôn, tổ 34, phường Kỳ Bá, TP Thái Bình là một gia đình như thế. Ông Kim nhập ngũ năm 1966, chiến đấu ở chiến trường Thừa Thiên - Huế, ra quân năm 1975, lấy vợ và sinh được 2 đứa con. Cô út may mắn lành lặn, còn người anh Nguyễn Mạnh Hùng sinh năm 1976, hồi nhỏ khá xinh trai, lúc đầu chỉ có biểu hiện đau cột sống, váng đầu nên vẫn theo học đến lớp 9 thì mới phát bệnh trầm trọng, hai chân bị co rút, lồng ngực biến dạng, đầu óc điên loạn, xé hết quần áo và la hét suốt ngày. Chúng tôi đến chứng kiến căn hầm nhốt Hùng bố trí rất kín đáo bên hông nhà, hôi hám khủng khiếp vì vào mùa rét gia đình không sao tẩy uế kịp. Mùa hè, ông Kim chỉ có thể thường xuyên phun nước rửa người cho con và sàn hầm như rửa chuồng lợn vậy thôi, vì nếu cha mẹ lại gần, Hùng sẽ bấu chặt lấy, không sao dứt ra được. Tôi ghé tai ông Kim hỏi nhỏ: “Sao gia đình không khai báo sớm để nhận trợ cấp cho Hùng mà phải đợi đến cuộc tổng điều tra, ông Hồ Sĩ Hải mới phát hiện ra cháu?” Ông Kim thở dài, gạt nước mắt đáp: “Nếu để lộ ra, tôi khó làm ăn, hơn nữa ai dám lấy em gái nó nữa hở giời!”

Và những phận người chết chậm

Đêm ở nhà khách Tỉnh ủy tôi trằn trọc không ngủ vì nỗi ám ảnh về một bộ phận không ít con em các quan chức, kẻ đầu cơ đất đai mới phất lên trong xã hội hôm nay đang sống nhanh, sống gấp bằng thuốc lắc hay bia rượu và những trò thác lọan. Họ kháo nhau: “Chơi đi kẻo nữa chết già - Ngồi trên nóc tủ ngắm gà khỏa thân”. Họ có biết đến những phận người đang dở sống dở chết, đang chờ cái chết chậm không biết sẽ đến vào ngày nào?

Một ngày ở TP Thái Bình, chúng tôi còn chứng kiến nhiều cảnh ngộ thương tâm khác như ở phường Hoàng Diệu có các gia đình: ông Đặng Tất Nhượng, cựu chiến binh ở chiến trường Tây Ninh, con trai là Đặng Thành Đệ; ông Đặng Xuân Thiều, cựu chiến binh ở chiến trường Quảng Nam - Quảng Ngãi, con gái là Đặng Thị Hương Giang… Song tôi vẫn nóng ruột, giục ông Hải nhanh chóng liên hệ để đoàn sớm về được các xã, huyện vùng sâu vùng xa, nơi có nhiều phận người đang chết chậm thuộc thế hệ 2 & 3 vừa mới phát hiện gần đây nhất.

Sáng, xe đưa chúng tôi xuyên qua những cánh đồng bát ngát lúa chiêm xuân đương thì con gái, những cây cầu bắc qua mương thủy lợi yên bình, thơ mộng mà lòng người nôn nao, thấp thỏm chờ đợi một điều gì bi phẫn, trớ trêu không sao hình dung nổi cho tường tận...

Thôn Cao Mộc, xã Đồng Tiến, huyện Quỳnh Phụ có gia đình ông Đỗ Văn Nghĩ, đi bộ đội năm 1966, chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị, năm 1972 bị thương nên được ra Bắc chuyển ngành. Ông lấy bà Lê Thị Ngoạt, sinh được 5 người con đều nhiễm chất độc da cam ở mức độ khác nhau. Đỗ Thị Chung 38 tuổi và Đỗ Văn Minh 34 tuổi bị nặng nhất, còn 3 cô con gái sinh sau đỡ hơn, chỉ đau nhức trong người, chu kỳ kinh nguyệt rối lọan, nhưng cơ thể không bị biến dạng, thần kinh bình thường. Chung và Minh từ lúc mới sinh ra đã bị biến đổi gien đến mức quái dị, hai chân teo lại, mềm oặt, còn thân hình phía trên, nhất là khuôn mặt và đầu tóc nom như con khỉ già, suốt ngày vung tay, lắc lư người và phát ra những âm thanh giống hệt loài khỉ. Bà Ngoạt vì quá đau buồn nên kiệt sức, sinh bệnh, chết đã 17 năm. Ông Nghĩ từ đó phải một mình chăm sóc, mớm cơm, tắm rửa cho 2 đứa con tật nguyền, khổ nhất là khi Chung đến kỳ kinh nguyệt. Có lẽ vì vậy nên ông Nghĩ cũng kiệt sức và qua đời năm 2008, sắp đến ngày giỗ đầu. Giờ đây 3 cô em gái ốm đau phải thay cha mẹ nuôi nấng, chăm sóc chị và anh, bao giờ thoát khổ, bao giờ mới lấy được chồng? Tiền trợ cấp thương binh đã cắt khi ông bố mất, và 2 cháu Đỗ Thị Chung, Đỗ Văn Minh đến nay vẫn không được trợ cấp gì.

Về thôn Quan Đình Bắc của xã Đồng Tiến, chúng tôi gặp một trường hợp nhiễm chất độc da cam rất đặc biệt thuộc thế hệ thứ 3. Ông nội các nạn nhân là Đỗ Văn Môn không đi chiến trường nên ông và con trai Đỗ Văn Quảng là người bình thường. Di họa chất độc da cam đến từ gia đình bên ngoại. Ông Phạm Văn Mận đi bộ đội năm 1964, chiến đấu ở Quảng Trị, bị nhiễm chất độc da cam, sinh ra chị Phạm Thị Ngàn rất xinh đẹp, nổi tiếng một thời trong vùng. Chị Ngàn chỉ bị nhiễm độc ở mức nhẹ, đau cột sống và vài bệnh phụ khoa. Nhưng khi chị lấy anh Quảng, sinh được 2 cháu Đỗ Thị Huê và Đỗ Văn Huy thì ngay từ lúc mới sinh, di họa chất độc da cam ập đến số phận hai cháu thật khủng khiếp. Từ hình dáng bề ngoài đến âm thanh phát ra của Huê (16 tuổi) và Huy (11 tuổi) giống như loài chim vậy. Các cháu đến nay mỗi cháu nặng chừng chục kg, vẫn phải nuôi trong 2 chiếc giường cũi bằng gỗ. Éo le ở chỗ gia đình và họ tộc bên nội nhiều năm qua cứ giục anh Quảng lấy vợ khác để có con nối dõi, dù chị Ngàn xinh đẹp, hiền thảo, hết lòng lo toan công việc nhà chồng. Quảng yêu vợ, thương con, nhưng trước sức ép dư luận sinh ra chán đời, vùi mình trong men rượu nên sớm già và ốm yếu, mới ngoài 40 tuổi mà để râu như ông lão 60. Tôi hỏi về tiền trợ cấp nạn nhân chất độc da cam, gia đình cho biết, chính sách của Nhà nước chỉ giải quyết cho thế hệ thứ 2, còn các cháu thuộc thế hệ thứ 3 nên họ xếp vào dạng người tàn tật và cũng mới giải quyết cho 1 cháu được hưởng trợ cấp tàn tật là 120 ngàn đồng/tháng. (Trợ cấp nạn nhân chất độc da cam loại 2 khoảng 360 ngàn, loại 1 là 600 ngàn đồng/tháng.) Tôi thật không hiểu, hơn 30 năm sau cuộc chiến, những người ăn lương bằng tiền thuế của dân để làm chính sách tất phải biết rằng, thời điểm này đã có nhiều nạn nhân chất độc da cam thế hệ 3, sao không kịp thời điều chỉnh chính sách? Và điều khoản hạn chế nào trong chính sách trợ cấp – dù rất nhỏ nhoi - cho người tàn tật khiến chỉ 1 trong 2 cháu con chị Ngàn được hưởng?

Ở huyện Thái Thụy, chúng tôi đã gặp nhiều phận người chết chậm như trường hợp gia đình ông Phạm Văn Ruẫn ở xóm 3, thôn Vị Nguyên, xã Thái Thuần. Ông Ruẫn nhập ngũ năm 1965, chiến đấu ở các chiến trường Lào, Căm Pu Chia, Quảng Bình, Quảng Trị… đến 1974 xuất ngũ. Con trai ông là Phạm Văn Quảng sinh năm 1975, khắp người nổi hạch và bướu cục, đặc biệt có một bướu to bằng trái bưởi ở sau gáy, ngày một chảy dài ra, cuống bướu ăn sâu vào tận cột sống, chèn đốt sống cổ nên đầu bị vẹo sang trái!… Song ở Thái Thụy, chúng tôi không cầm được nước mắt khi gặp những cặp vợ chồng đã 79 - 80 tuổi, nói theo dân gian là “gần kề miệng lỗ”, vẫn cầu Trời khấn Phật cho được chết muộn mươi mười lăm năm nữa để còn mớm cơm, lau người cho đứa con tật nguyền họ dứt ruột đẻ ra. Họ có lẽ là những phận người chết chậm oái oăm, kỳ lạ nhất huyện Thái Thụy. Cụ Hoàng Minh Nghĩa ở xóm 7, thôn Vị Dương Đoài, xã Thái Hồng, nhập ngũ năm 1951, sau cuộc chống Pháp sinh được 3 người con lành lặn, nhưng thời chống Mỹ làm lái xe cho binh đoàn 559, qua bao vùng rải chất độc da cam trên Trường Sơn nên chống Mỹ về, năm 1977 sinh thêm con thứ 4 thì con bị nhiễm độc nặng. Anh Hoàng Đình Quân chân tay co giật, con ngươi của mắt bị lồi ra, lồng ngực biến dạng, nằm liệt giường đã hơn 15 năm. Những người con lành lặn giờ đã nên ông nên bà, kiến giả nhất phận nên chăm sóc anh Quân chỉ có 2 cụ, trong ngôi nhà rêu mốc, hoang lạnh, không có một vật dụng gì đáng giá. Đêm ngày 2 cụ chỉ lo mình chết trước Quân mà đầm đìa nước mắt. Vợ chồng cụ Vũ Văn Nhiên ở thôn Đồng Tỉnh, xã Thái Dương tuy gia cảnh có khá hơn cụ Nghĩa tí chút, nhưng số phận oái oăm cũng chẳng hơn gì. Cụ ông 79 tuổi, nhập ngũ năm 1950 chống Pháp rồi lại đi chống Mỹ, 5 năm chiến đấu ở Quảng Nam, năm 1981 mới xuất ngũ. Năm 1972, trong lần nghỉ phép, hai cụ có thêm người con gái Vũ Thị Sảng thì cô bị bại não, phải chăm sóc suốt 37 năm trời đằng đẵng. Cầu mong duy nhất của 2 cụ là được chết muộn sau con gái ít nhất 1 năm, chứng kiến nó mồ yên mả đẹp!...

Huyện Quỳnh Phụ có 7.900 người nghi nhiễm chất độc da cam, số hoàn tất hồ sơ lĩnh trợ cấp mới chỉ là 1.326 người. Năm ngoái số nạn nhân thế hệ 3 của huyện có 209 cháu thì nay còn 170 cháu. Ở huyện Thái Thụy, theo điều tra có khoảng 9.000 người nghi nhiễm chất độc da cam, 4.000 người có hồ sơ, mới gần 2.000 người được hưởng trợ cấp. Đợi khi hoàn thiện hồ sơ và điều chỉnh chính sách xong, sẽ có bao nhiêu nạn nhân chết rồi mà không được nhận một đồng trợ cấp? Chua xót lắm thay!...

Người dẫn đường vui tính

Những ngày dẫn chúng tôi đi xuống các làng quê tìm gặp các nạn nhân, ông Hồ Sĩ Hải - Phó chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam của tỉnh luôn miệng cười nói, kể chuyện tiếu lâm hiện đại, lúc cao hứng ông còn hát hoặc diễn giải hùng hồn, say sưa không biết mệt về giáo lý của đạo Phật. Tôi bảo Minh Chuyên rằng thật may vì có một người hướng đạo tuyệt vời và yêu đời như thế. Nghe Minh Chuyên kể, tôi mới sững người vì biết ông Hải cũng là một trong hàng vạn phận người chết chậm ở đất Thái Bình. Thời chống Mỹ, ông Hải là lính binh đoàn 559 đi khắp dải Trường Sơn, gặp và yêu say đắm cô thanh niên xung phong Nguyễn Thị Đương quê đất Quảng Bình. Hết chiến tranh, họ dắt nhau về quê Thái Bình lập nghiệp, sinh được 4 con đều nhiễm chất độc da cam: 1 bé gái chết yểu, còn lại 3 trai thì 1 điên loạn, 1 lẩn thẩn, 1 câm điếc. 3 đứa suốt ngày lang thang xin ăn quanh TP Thái Bình, khoảng 9 giờ tối mới lục tục theo nhau về nhà. Hôm đầu ông nói tếu rằng vợ mình cũng là “nhà báo”, sau này tôi mới ứa nước mắt hiểu ra “báo” đây nghĩa là báo cô vì ông còn phải chăm sóc vợ nhiễm chất độc da cam ngày một nặng, nằm liệt giường hơn 10 năm rồi, hễ tỉnh một chút bà lại đòi được lên xe hoa lộng lẫy như bao cô gái thời nay… Ông Hải phải vui đùa tếu tao cho quên đi cảnh nhà, lúc ra đường tự làm mình mệt nhoài để lúc đêm về lăn kềnh ra ngủ vùi, kẻo ông lại úp mặt vào gối mà khóc, lỡ chết sớm thì nguy to. Ông là người duy nhất trong nhà còn khỏe mạnh, phải chết chậm nhất để lo cho từng người chết trước!


Tác giả và gia đình nạn nhân Huê và Huy

Lời kết

Ơi những vị quan tòa khả kính của nước Mỹ văn minh, tự cho mình đủ tư cách phán xét nhân quyền ở mọi quốc gia, các vị nghĩ gì trước những phận người chết chậm này?

Hỡi những ông chủ giàu sang của 37 công ty hóa chất bên kia Thái Bình Dương, có lúc nào lương tâm các ngài bị dày vò, cắn dứt về di họa khủng khiếp của sản phẩm mình làm ra được dùng trong cuộc chiến dã man trên xứ sở Việt Nam yêu hòa bình, trọng đạo lý?...

Nhưng trách người lại phải ngẫm đến ta. Muốn theo kiện với người Mỹ thì hồ sơ bệnh án của từng nạn nhân không thể tùy tiện, sơ sài mà phải đủ chứng cứ về nguồn gốc gây bệnh, diễn biến bệnh lý qua từng năm thể hiện bằng thông số y học các lần xét nghiệm theo chu kỳ thời gian nhất định. Một tổ chức Hội từ thiện tự phát của nạn nhân chất độc da cam thì làm sao đủ quyền lực, khả năng và kinh phí? Nên chăng Quốc Hội, Chính Phủ, UBND các cấp và toàn bộ hệ thống ngành dọc của Bộ LĐ&TBXH cùng vào cuộc thật sự, chứ không chỉ hô hào lương tâm chay chờ thắng kiện…

Thái Bình - Hà Nội 3/2009

Vũ Ngọc Tiến

Ghi chú:

Địa chỉ các nạn nhân hoặc gia đình đang cần giúp đỡ nhất gồm có:

1- Chị Phạm Thị Ngàn (Mẹ nạn nhân Huê và Huy)

Thôn Quan Đình Bắc, xã Đồng Tiến, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình

2- Cụ Hoàng Minh Nghĩa (Bố nạn nhân Hoàng Đình Quân)

Xóm 7, thôn Vị Dương Đoài, xã Thái Hồng, huyện Thái Thụy, tỉnh thái Bình

3- Đỗ Thị Chung- Đỗ Văn Minh (Nạn nhân chất độc da cam)

Thôn Cao Mộc, xã Đồng Tiến, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình