Dienstag, 13. Januar 2009

Việt Nam đi về đâu trong năm 2009?

Barbara Crossette, The Nation 12/01/08, Phan Lưu Quỳnh lược dịch

Ba ngày Tết đang đến gần tại Việt Nam, là cao điểm của một mùa lễ tết bắt đầu với dịp nô nức đón mừng Lễ Giáng Sinh vào trung tuần tháng Mười Hai. Ở cái thành phố miền Nam mà mọi người vẫn gọi là Sài Gòn, các công viên và đại lộ được trang trí với các bóng đèn nhiều màu sắc, và các bài thánh ca Giáng sinh được lững lờ phát ra ở các nhà hàng, hành lang khách sạn và các cửa hàng bách hoá với các ông già Noel của riêng họ.

Trên bề mặt thì “cuộc chiến chống Mỹ” đã chấm dứt cách đây hơn ba thập niên dường như không để lại một dấu vết nào. Nhưng trong trái tim và khối óc của những người đã chịu đựng cuộc chiến và còn sống sót để tưởng nhớ nó, thì vẫn có một niềm đau. Tết là một dịp để suy ngẫm, và vẫn còn vài mối xúc cảm lẫn lộn về việc Việt Nam sẽ đi về đâu trong năm mới.

Không phải chỉ có cái quang cảnh sung túc và quá thiên về vật chất, thậm chí ngay cả trong thời buổi kinh tế khó khăn, và sự ưu ái nồng nhiệt đối với với mọi thứ đến từ Tây phương mới có vẻ va chạm đến một thế hệ đã hy sinh tất cả cho cho một sự nghiệp cách mạng, mất mát cả thân nhân bạn bè, thường là bị chôn vùi trong những nấm mồ vô danh. Nhưng cũng có, nhất là ở miền Nam, những nỗi ray rứt khó chịu và thất vọng về một nước Việt Nam thống nhất đã không đạt nổi đến tiềm năng rất to lớn của mình. Mặc dù trải qua gần hai thập niên đổi mới kinh tế, người dân Việt Nam vẫn nhìn thấy đất nước mình bị trì trệ dưới sự khe khắt của quy tắc và tình trạng kiểm duyệt quá mức của nhà nước, đồng thời quan sát các viên chức chính quyền phung phí các nguồn lợi kinh tế quốc gia vào tham nhũng.

Khởi đầu của mùa lễ tết kéo dài này trùng hợp với việc Nhật Bản tạm ngưng một chương trình trợ cấp phát triển (ODA) sau khi phát giác ra một âm mưu mua chuộc đút lót hàng triêu đô la bòn rút từ ngân quỹ viện trợ của Nhật Bản, cho đến nay vẫn là quốc gia tài trợ lớn nhất cho Việt Nam. Một phóng viên làm việc cho một tờ báo hàng đầu nói rằng các nhà báo được bảo cho biết phải chấm dứt không được nhai đi nhai lại mãi về vấn đề này. Hai phóng viên khác đã bị bắt hồi năm ngoái vì tường thuật về vụ ăn bớt tiền viện trợ không những từ Nhật Bản mà còn từ Ngân hàng Thế giới.

Một nhà báo hiện đang ở trong tù và người khác đang bị giáo dục cải tạo. Hai nhà báo, Nguyễn Văn Hải của tờ Tuổi Trẻ và Nguyễn Việt Chiến của tờ Thanh Niên, đã bị kết án vì “lợi dụng quyền tự do dân chủ”. Tổ chức theo dõi nhân quyền Human Rights Watch đã có một bản phúc trình mới, “Nhà nước Việt Nam hãy ngưng ngay việc khoá miệng những người đưa tin”, về vụ này và các trường hợp khác. Các đồng nghiệp của họ nói rằng các phóng viên nhận tin tức từ các nguồn tin trong chính phủ, nhưng điều đó không cứu được họ và các tổng biên tập. Nhà nước nắm giữ quyền chỉ định các chủ biên, đã sa thải hai tổng biên tập của hai tờ báo liên hệ. Ðây là lần thứ 3 trong vòng hai năm, nhật báo Tuổi Trẻ, tờ báo được quần chúng ưa chuộng, rất táo bạo và có nhiều lợi nhuận, đã nhìn thấy tổng biên tập của mình bị thay thế hồi tháng Mười Hai bằng một nhân vật “an toàn hơn” do nhà nước chỉ định; đến đầu tháng Giêng thì chủ biên của tờ Thanh Niên đã bị cho nghỉ việc.

Tại Ðà Nẵng, một nhà xuất bản bị đóng cửa hồi tháng Mười Hai và hai chủ biên hàng đầu bị đuổi việc vì “lỗi lầm” trong việc in ấn. Những người xử dụng mạng internet thường xuyên bị sách nhiễu và đôi khi bị bắt. Ðược ước lượng là có gần một phần tư dân số Việt Nam xử dụng internet để đưa bài vở lên các trang blog và trao đổi thông tin. Trong số các blogger có cả các em học sinh còn trẻ ở lứa tuổi 12 hay 13, có máy tính ở nhà hoặc lui tới các dịch vụ internet, mà nhà nước đang giám sát một cách vụng về. Ðây có thể là dấu hiệu của một sự thua cuộc khiến cho quy định mới của nhà nước về việc xử dụng internet được đưa ra gần đây trong một nỗ lực nhằm kềm chế tác động của thế giới ảo trên mạng. Cùng lúc đó, báo chí và các loại sách báo khác đang đua nhau tạo ra các trang web bằng tiếng Anh để giúp cho tin tức của họ được phổ biến rộng rãi hơn.

Giới hay phê bình trong hàng ngũ sinh viên, trí thức, và nhất là các nhà báo, ngày càng trở nên thẳng thắn phê phán nhà nước một cách rất ngạc nhiên. Trong một cuộc hội thảo mới đây của các giáo sư và giới quản trị các trường đại học, từng người một lên phát biểu đã nói về nỗi bực mình của họ vì những giới hạn chính trị được đưa ra từ Hà Nội. Thông điệp được nghe đi nghe lại từ những người tham dự là nhà nước phải hiểu rằng tự do ngôn luận và quyền được tiếp cận với thông tin là điều kiện tiên quyết của nhân loại và để phát triển kinh tế. Một viện trưởng đại học khi được hỏi làm thế nào mà bà ta xoay sở để thu nhận được quá nhiều kho tàng tri thức cho khoa của bà, thì bà tuyên bố thẳng thừng, “Tôi không được cho phép tự ý, tôi cứ lấy”.

Tại miền Nam, có rất nhiều lời phàn nàn khác nằm bên ngoài các lớp học và tòa soạn. Người dân của thành phố Sài Gòn, chính thức được đặt tên lại là TPHCM cách đây ba thập niên, đã than phiền rằng hơn ba phần tư lợi tức thu nhập của khu vực trung tâm thành phố đầy sôi động và hướng ngoại này đã bị chính quyền trung ương hút mất và dân miền Nam lấy lại được chỉ có chút ít. Một khảo sát mới đây của một công ty tư vấn Anh Quốc đã xếp hạng Sài Gòn đứng hàng thứ 150 trong 215 thành phố trên thế giới về chất lượng đời sống, đứng rất xa đằng sau các thành phố láng giềng như Singapore, Bangkok và Kuala Lumpur, mà đối với các thành phố này Sài Gòn phải có tính cạnh tranh hơn. Trên một mức thang đo lường từ 1 đến 10, theo tờ báo Vietnam News bằng Anh ngữ tường thuật, thì Sài Gòn đạt được 0 điểm cho chất lượng nước uống, và một số bệnh viện được biết là hai hoặc ba bệnh nhân phải chia nhau nằm chung một giường.

Tất cả mọi doanh nghiệp và các hội đoàn thiện nguyện đều bị sa lầy trong nhiều tầng lớp đòi hỏi về giấy phép. Các tổ chức mậu dịch, phòng thương mãi và công ty xây dựng đều công khai nói rằng các thương nghiệp mới có thể sẽ phải đối diện 33 lần với các thủ tục mất thời giờ, làm nản lòng nhiều người muốn đầu tư.

Trong giới trí thức hiện đang có nhiều sự chú ý to lớn đến một cuốn sách mới xuất bản của nhà văn bất đồng chính kiến nổi tiếng nhất Việt Nam, bà Dương Thu Hương, tác giả quyển Thiên Ðường Mù và nhiều cuốn tiểu thuyết phê phán những chiêu bài độc lập dân tộc.

Cuốn sách mới của bà, vừa mới được xuất bản trong tháng này dưới tựa đề bằng tiếng Pháp Au Zenith (Ðỉnh cao chói lọi), là một cuốn tiểu thuyết về sự che đậy mỏng manh và không có tính ca tụng mấy về anh khùng dân tộc Hồ Chí Minh, vị cha già sáng lập ra nước Việt Nam hiện đại, cũng là một đề tài bị cấm đoán ở đây. Báo chí trong nước được cảnh cáo là không nên đụng đến cuốn sách trên, nhưng bản thảo và nhiều đoạn trích dẫn cuốn sách của bà Hương bằng tiếng Pháp lẫn tiếng Việt đã bắt đầu lưu hành trên mạng internet ngay cả trước khi được xuất bản.

Bà Hương, nguyên quán từ Hà Nội và từng là một đảng viên cộng sản trung kiên đã phản tỉnh, cũng như nhiều nhà trí thức miền Bắc, sau khi đất nước được thống nhất đã hiểu ra rằng phần lớn những lời tuyên truyền mà họ bị nhồi sọ về cuộc sống ở miền Nam là không đúng sự thật, và bộ đội miền Bắc không phải chỉ giết có người Mỹ mà còn giết cả những đồng bào miền Nam. Trong hơn hai thập niên người miền Bắc đã tỉ mỉ tìm hiểu về cái đề tài chiến tranh bị nhà nước lừa gạt trong sách vở, thơ văn và phim ảnh.

Khi bà Hương, người có các tác phẩm bị cấm đoán ở Việt Nam, được hỏi tại một buổi ra mắt hiếm có ở Nữu Ước vào năm 2007 do Trung tâm Văn bút Hoa Kỳ bảo trợ, rằng tại sao không có sự nổi dậy công khai ở Việt Nam, thì bà trả lời là có nhiều lý do, trong đó có lý do là người Viêt Nam có một quá trình lịch sử chống ngoại xâm và không có truyền thống xung đột trong nội bộ -cũng như sự sửng sốt khi hiểu ra rằng biết bao người miền Nam đã chết trong “cuộc chiến chống Mỹ”. Bà cũng nói thẳng thừng rằng dân tộc Việt Nam đang bị cai trị bởi đám lãnh đạo có tầm nhìn về phía sau mà niềm tự hào của họ là đạt được thắng lợi trong cuộc chiến chống Hoa Kỳ—một niềm tự hào được chia sẻ rộng rãi— nhưng chưa bao giờ được cải thiện và cập nhật với một cái nhìn thiết thực về đất nước trong thời hậu chiến . Bà nói, giới lãnh đạo CSVN đã sống sót trong 30 năm qua trên “những xác chết”.

Ðồng thời trong giới trẻ, chiếm phần lớn trong dân số Việt Nam, thì đang có một niềm tin tưởng sâu xa, nếu không muốn nói là mù quáng và thiếu thực tế về phương Tây, lại được khuyến khích bởi thành phần Viêt kiều, tức là người Việt hải ngoại, là những người trở về Việt Nam với tiền bạc rủng rỉnh để mua sắm nhà cửa và vật dụng mà đối với người trong nước không có các mối quan hệ với chính quyền thì không thể nào có khả năng mua nổi. Trong vài năm qua, nhiều cửa hàng bán đồ kiểu mẫu Âu Châu đã hất cẳng các cửa tiệm Việt Nam ra khỏi khu trung tâm thị tứ ở Sài Gòn, nơi các công trình kiến trúc đương thời thiếu bản sắc đang được đưa vào thời trang. Một khu mua bán rộng lớn với các căn hộ sang trọng nằm bên trên và một khách sạn đang được xây dựng, bao phủ toàn bộ một khu vực địa ốc quan trọng từ đại lộ Nguyễn Huệ đến đường Ðồng Khởi, tên cũ là Rue Catinat.

Nguồn

Cái Sai luôn sợ sự Phản biện

Để đón chào 2009, cần nhìn lại 2008, đói no ba ngày Tết, dù sao thì người VN còn có một gì đó rất lạc quan, yêu đời, chấp nhận 2009 nhiều khó khăn thì một miếng bánh chưng, dưa hành, câu đối đỏ, tiếng cười của thành viên trong gia đình, khói hương nghi ngút trên bàn thờ cầu mong những điều tốt đẹp sẽ đến trong năm mới ...

* 2008, ông Tô chịu không biết bao nhiêu sức ép của dư luận, truyền thông .., và cuối cùng, con tàu bóng đá VN được thuyền trưởng Bồ Đào Nha ( Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha từ xưa đã rất giỏi đi biển ) cập đến bến bờ vô địch Đông Nam Á sau 49 năm chờ đợi. Quá đủ để trả lời cho một dấu chấm hỏi?

* 2008, một vị quan chức phát biểu " Báo chí phải đi theo lề bên phải ", và một vị Tổng biên tập khẳng định " Lề bên phải chính là nhân dân ". Đúng, khi một nhà báo viết bài, trái tim, ngòi bút .., đều nghỉ về nhân dân thì anh chẳng sợ gì cả . Chỉ khi nào, anh đứng trên nhân dân, nhận tiền của ai đó để đánh một ai đó, dùng tờ báo của nhân dân để phục vụ mục đích cá nhân anh, dùng đặc quyền sử dụng truyền hình, báo chí để tuyên truyền thông tin một chiều .., thiếu phản biện, trước sau gì anh cũng bị trả giá!

* 2008, Hà Nội mở rộng, rộng vào hàng nhất nhì thế giới, người dân chưa biết thích nghi như thế nào với " tầm vóc " mới, chiếc áo mới của mình ...thì giặc Thuỷ Tinh đánh lén, Hà Nội " méo máo" trong cơn lụt lội, người Thủ Đô bao năm chỉ biết khuyên góp giúp đở cho " miền Trung lũ lụt", giờ đến phiên mình cảm nhận nổi thiên tai ... Nếu không " ỉ lại " thì anh đâu phải đứng ra " xin lổi ", nếu dùng khoa học để giải thích thay vì " phong thuỷ, hồ quỳ, rồng cuộn " .., thì rỏ ràng Hà Nội trong chính nội tại còn quá nhiều điều cần phải làm, còn chứa đựng bao nhiêu nổi bất an !

* 2008, song song với việc báo chí, đài truyền hình " phê phán" giáo xứ Thái Hà thì hai công viên được cấp tốc xây dựng với kỉ lục " thần kì ". Người dân dù " không hiểu biết " về xây dựng cũng ngạc nhiên hỏi : " Tụi nó xây răng mà nhanh rứa" ?! Hiểu anh Tàu " quân tử " là " Nguỵ quân tử", anh Nhật " quân tử " là " mổ bụng", còn VN " quân tử " là từ Hán Việt mà thôi!

* 2008, chúng ta hoàn thành cắm móc đất liền biên giới với Trung Quốc, lần đầu tiên chúng ta làm được điều đó với người láng giềng khổng lồ, nhưng để được sự đồng thuận của nhân dân thì phải chờ lịch sử phán xét ... Đất nước, có nghĩa là đất và nước, mà nước thì một ngày cũng phải có " vua ", nhưng để trở thành một minh quân thì lịch sử xưa nay hiếm ...

* 2008, một ông quan ở TP HCM bị Nhật cáo buộc tham nhũng với số tiền vài trăm nghìn đô, không biết họ cáo buộc có thật không? Một quan chức ngoại giao ở Nam Phi bị buộc về nước do nghi vấn buôn bán " sừng tê giác", dân Nam Phi cũng thật lắm chuyện? Vừa rồi, một phó phi công của VN bị bắt tại Nhật vì vận chuyển hàng trái phép đồ ăn cắp, vừa nhận trách nhiệm chuyên chở bao nhiêu tính mạng con người, vừa đảm nhận luôn công việc kia, đúng là phi công VN có máu lạnh thật! ... Còn nhiều chuyện lắm, kể không hết ...

*2008, biết bao doanh nghiệp vừa và nhỏ khó khăn, nộp đơn xin phá sản, công nhân cuối năm không đủ tiền về ăn tết; không biết bây giờ nông dân bán được hết lúa chưa, không có kho để chứa, lúa bán không hết chắc hư quá ...Thôi đành đợi xem " Táo Quân " để cười cho đở đói, nhưng " Táo Quân " mà cũng đi theo " lề phải " thì Thượng đế trong bếp chẳng có gì nấu mà ăn!

*2008, nhìn thẳng vào sự thật .., một năm xuất hiện nhiều chuyện kì lạ tạo nền cho 2009 chuyển động những thay đổi lớn lao.

MP