Sonntag, 22. Februar 2009

có gì nói đấy nhưng mà thật




Tôi nhớ hồi còn thủa hs và khu tập thể nơi tôi ở . Hễ cứ vào buổi sáng sớm là nghe tiếng chim đậu trên những cây xà cừ tước cửa nhà hót líu riu và tiếng người gọi nhau i ới đi tập thể dục buổi sáng là tôi choàng dậy chuẩn bị đánh răng rửa mặt sửa soạn đi học . Qui luật này kéo dài khoảng 6 năm , vì điều kiện gia đình thay đổi công tác + chiến tranh rồi cả nhà đi sơ tán tránh bom Mỹ và tôi không còn được hưởng qui luật thanh bình và hơi... trẻ con này nữa . Thời gian cộng lại tuổi thêm lên , học xong tôi đi làm , đi bộ đội rồi đi nước ngoài học ...... Cả 1 khoảng thời gian dài sẽ có lúc mình thấu suốt lại quá khứ đã trải rồi và ngẫm nghĩ lục lọi .
Giờ đã định cư ở Tây âu cùng gia đình , cách đây mấy năm và rồi gần đây nhất là tháng 9/2009 tôi có về VN thăm . Thực tế nhìn thấy cảnh vật quen thuộc ngày nào đã mất , người quen xóm giềng cũng không còn ở đó nữa thay vào đó là 1 khung cảnh lạ hoắc , thay vào hàng cây xà cừ trước cửa nhà hồi nhỏ tôi ở là 1 lô 1 lốc ngôi nhà trông chối mắt ,bươn ra mọc chình ình nhấp nhô làm cửa hàng Cafe , gội đầu , bán phở , hàng nước ...
Chối nhất vào buổi sáng khoảng 4-6h là tôi bị ho sặc sụa vì khói than tổ ong của mấy nhà Cafe , hàng phở dưới nhà nhóm bốc lên . Ngoài thời gian không khí "sạch sẽ" trên có nghĩa từ 6h sáng trở đi cho đến 22h đêm cả tp bị chìm trong bụi ngập khói thải của hàng triệu ô tô , xe máy , hàng quán , gia đình lẫn công trình XD thải ra . Tất cả những hình ảnh trên dễ tạo cho người khách từ xa đến sẽ có một chữ "nản , ngại" trong ký ức của một lần đầu tiên đến thăm.
Sang Tây âu trở lại , tôi có kể lại chuyến về thăm VN những thay đổi và tai nghe mắt thấy . Bạn bè chậc lưỡi : Ôì dào VN nhà mình trăm năm...muôn thủa .....Và thế là mỗi người 1 chuyện nhao nhao tranh nhau kể ...nào là cái lọ cái chai của mấy chị em Hà nội , Hải Phòng, Nam định,Thái nguyên sau những đợt về VN thăm quê .....Tôi đã chạm phải bức tường , hết điện .

Lòng dân đang chuyển?

Lòng dân đang chuyển?

Dạo gần đây, những người tôi gặp và có dịp hàn huyên tất thảy đều có chung một cách thể hiện khi nói về chế độ đang cầm quyền. Đó là sự thể hiện rất khác so với thời gian trước. Trong lòng tôi thầm nghĩ đã đến lúc mà hầu hết người dân nhìn thấy được bản chất lưu manh của những cán bộ công chức nhà nước mà lương tâm bị con gì tha mất từ lâu. Vừa xót xa cho sự mất mát của người dân trong thời gian qua, vừa mừng vì nó sẽ giúp cho sự thay đổi toàn diện của đất nước trong thời gian tới.

Người bạn làm ở một bộ phận tại sân bay Tân Sơn Nhất vẫn thường nhận được tiền từ khách cho (tự nguyện cho hay buộc phải cho? ta chưa bàn tới) nay tâm sự đã cảm thấy bất an với những đồng tiền đó. Người ấy muốn được thay đổi công việc, chấp nhận dù tiền ít hơn nhưng tâm thấy yên hơn. Ít tiền hơn thì cũng không phải cúng nạp và khúm núm trước cấp trên như trước nữa. Ít tiền hơn nhưng cảm thấy thoải mái sử dụng đồng tiền do mình làm ra một cách chân chính. Tôi hỏi: sao bây giờ lại cảm thấy như thế? Bạn tôi trả lời: chán lắm mày ạ, tao nhìn thấy sắp sập đến nơi rồi, lo cho mình được thanh thản chút nào hay chút ấy.

Người bạn hiện đang tự làm chủ một việc kinh doanh nhỏ cũng chia sẻ là cảm thấy mình đã quyết định đúng khi không tiếp tục ở lại phục vụ lâu dài trong môi trường quân đội (lý tưởng thưở trai trẻ của anh). Anh say sưa hát những bài nhạc đỏ trong buổi karaoke họp mặt bạn bè nhưng đưa ra một kết luận trong tăng 3 của chúng tôi là quân đội thời nay không còn giống như quân đội thời xưa. Gia đình anh đã 3 đời tham gia cách mạng. Nhưng thật may cho anh đã có ngã rẽ đúng lúc (và tất nhiên bị gia đình quở mắng một trận tơi bời). Nếu ở trong quân ngũ đến hôm nay không biết anh sẽ về đâu với cái tính thẳng như ruột ngựa của mình vì trong đấy như một xã hội phong kiến thu nhỏ nơi cấp trên là vua, là quan phụ mẫu của cấp dưới. Thăng quan tiến chức không phải đến từ sự phấn đấu phụng sự quốc gia, dân tộc mà đến từ sự ganh đua nhau cung phụng cho cấp trên. Bây giờ đâu có chiến tranh để thấy lòng mình hướng về một điều cao cả mà bất chấp tính mệnh. Thấy cái cách chính quyền hành xử về vấn đề Trường Sa – Hoàng Sa mà xót lòng quá. Nếu còn làm một người lính mà phải câm lặng trước sự việc đó thì tức đến chết thôi, còn nếu có phản ứng thì chắc anh sẽ bị mức kỉ luật nặng nhất của quân đội. Nay là một người dân bình thường anh có thể nói những điều mình nghĩ với bạn bè và mong có một ngày phải thay đổi để lý tưởng của anh được sống cùng hồn thiêng sông núi. Anh nói: tao thấy một đảng độc quyền toàn chỉ có chuyện xấu, tao ủng hộ đa đảng.

Người bạn làm kế toán trưởng cho một doanh nghiệp (loại vừa và nhỏ) khi nhắc đến các vị cán bộ quản lý thuế của đơn vị (một quận nội thành HN nổi tiếng với các trò ăn chia trắng trợn) thì ôi thôi một tràng bức xúc được bung ra khiến người nghe không khỏi lắc đầu ngao ngán. Trong tình hình đầu ra của công ty đang bị thu hẹp bởi không còn đơn hàng xuất, tiền bạc không có đủ để xoay các chi phí đầu vào khiến công ty gặp khó khăn tứ bề. Vậy mà khi công ty gắng hoàn tất hồ sơ xin hoàn thuế GTGT đầu vào còn được khấu trừ để lấy tiền về xoay sở thì được ngay một đề nghị “chia đôi, ứng 1/2” (tức chia 50% và ứng 25%) thì trong vòng 1 tuần sẽ có kết quả. Vị cán bộ thuế lý luận: thời buổi này ai có tiền mặt là vua, bên em biết điều thì kịp có tiền mà duy trì, còn không thì ráng chờ làm theo đúng qui trình, hồ sơ xin hoàn thuế đang chất đống ở chỗ bọn anh, bọn anh giải quyết theo thứ tự, lúc nào đến hồ sơ của em thì sẽ báo, đang buổi giao thời giữa luật thuế GTGT cũ và mới (mới áp dụng từ 1/01/2009) nên bọn anh phải xem kỹ chứ làm trật một chút thì ai gánh trách nhiệm cho bọn anh. Bạn tôi rủa xả (cho bạn bè nghe chứ có dám nói với cán bộ thuế đâu, thế mới khổ): người ta sắp chết đến nơi rồi mà hắn còn đòi ăn dày đến thế, qui với chả trình, cũng là các bố hết chứ ai vào đây, đồ chó tha quạ bắt. Rồi hỏi bọn tôi: vậy bây giờ tớ phải làm gì? Chịu thì tức chết, không chịu thì cũng tức chết, mà cha giám đốc nhà tao cũng hết đường rồi, có tiền về để còn xoay việc khác không thì cũng chết cả đám, giá mà có ai quét hết đám giặc này cho tớ đỡ tức? Tôi thầm nghĩ: sẽ đến ngày ấy thôi.

Cô hàng xóm gần nhà một buổi tối tạt qua tâm sự với ông bà già nhà tôi. Cô có đứa con trai nhỏ học lớp 6, thằng bé học cũng khá phải tội hơi nhút nhát. Không biết tiêu chí thế nào mà em được chọn vào danh sách đề cử đi thi môn Toán cấp quận. Nghe con về báo như vậy cô thấy mừng cho con. Thời gian ôn để thi trước tại trường nhằm chọn ra học sinh được đi thi chính thức mất khoảng 1 tháng rưỡi. Hôm rồi nhà trường mời các phụ huynh có con được đưa vào danh sách lên họp. Họp xong về nhà cô phân vân quá bởi các khoản phải đóng cho nhà trường để con học ôn nghe đâu lên tới vài triệu (tiền bồi dưỡng cho thầy dạy, tiền mua tài liệu, tiền cơ sở vật chất của nhà trường, v.v…) mà còn chưa hết, vì con cô hơi nhút nhát nên cần được luyện riêng với một thầy nữa nhằm có thể mạnh dạn hơn khi thi vấn đáp và phí tổn khoản này cũng gần bằng khoản kia. Thầy trực tiếp nói riêng với cô: nếu chị lo cho em ấy được chọn vào danh sách chính thức đợt này thì chị khỏi lo kết quả học tập cả năm nay của em, đảm bảo được học sinh giỏi, như thế là tốt lắm đấy. Nghe xong cô vừa lo (kiếm tiền ở đâu ra trong tình cảnh chồng cô – lao động chính trong nhà – đang bữa làm bữa không vì xí nghiệp hết việc) vừa mừng cho con. Tuy nhiên, tình cờ nói chuyện với một vị phụ huynh khác ngay sau buổi họp với nhà trường cô mới té ngửa là thầy kia cũng gợi ý y chang như vậy nhưng số tiền luyện riêng thì có khác, cao hơn số tiền thầy kia nói với cô (có lẽ vì nhìn vị phụ huynh này sang trọng hơn hẳn cô) và thầy đảm bảo là con của vị phụ huynh này sẽ được chọn vào danh sách chính thức!? Cô bức xúc quá, nghĩ vừa thương con mình vừa xấu hổ cách “đào tạo” của nhà trường, nhưng cô không dám có phản ứng gì thái quá vì con cô vẫn còn phải học ở ngôi trường này đến hết lớp 9 mà. Điều cô khó xử là làm sao để con không thấy thẹn với các bạn (nếu không được chọn) và cô không mất tiền một cách vô ích (chỉ để lấy lòng thầy) trong khi gia đình còn biết bao khoản phải lo toan. Tiến thoái lưỡng nan. Cô đặt câu hỏi cho chính mình và cho ông bà già nhà tôi: các bác xem bao giờ mới hết nạn giáo dục kiểu này? nói thật, em làm được gì mà không ảnh hưởng đến con là em làm ngay.

Câu chuyện với anh tài xế taxi (trong comment trên blog trandongchan) ngày 14/02 cũng tương tự.

Anh kể sáng sớm nay khi thấy một nhóm áo xanh đang bắt hàng của các cô dì bán ốc trên thành một cây cầu, anh thấy quá bất nhẫn nên đã ngừng xe giúp mấy cô dì thu dọn đồ và cũng đồng thời cản mấy anh áo xanh làm nhiệm vụ. Với vài tài lẻ thì anh cũng thoát được (không bị bắt vì lỗi đậu xe chiếm lòng cầu, cản trở người thi hành công vụ). Nhưng anh gọi những người mặc áo xanh đó là “kẻ cướp có giấy phép hành nghề”. Nghe tôi nói phong phanh các công ty xăng dầu đang than bị lỗ, chắc sắp tới giá xăng sẽ có điều chỉnh. Anh lập tức phản ứng ngay “đồ làm ăn gian lận” và cũng xếp các công ty xăng dầu vô nhóm “kẻ cướp có giấy phép hành nghề”. Anh bảo người nghèo ở nơi khác đã khổ, người nghèo ở VN còn khổ gấp bội vì chẳng được ai bảo vệ. Chính xác anh nói câu: dân mình bị ăn chặn mất quyền ‘pháp nhân’ (chắc do lúc đó bức xúc nên nhầm lẫn nhưng ý thì rõ ràng). Và rằng, nếu anh có quyền thì anh sẵn sàng bắn bỏ hết những kẻ đang núp bóng công quyền mà làm chuyện bất công bất chấp hậu quả. Anh cũng mong tiếng nói người dân được lắng nghe và nếu có ai đứng lên ‘cầm đầu’ thì anh sẽ gia nhập ngay để lật đổ chính quyền này (lời nói khi ấy rất mạnh mẽ và lý giải bằng lý do sau đây). Vì anh tin rằng nếu mình không lật đổ chính quyền này thì khi có nước nào đó vào đánh chiếm VN thì chắc chắn VN sẽ thua rồi mất nước luôn vì người dân sẽ đi theo các nước mạnh đó do đã chán chế độ này rồi, giờ ai cho họ cái gì tốt hơn thì họ sẽ theo thôi.

Đến vấn nạn ăn chặn tiền Tết của người nghèo diễn ra ở hầu hết những địa chỉ mà lẽ ra số tiền cần đến một cách trọn vẹn cho thấy chính quyền đã bất lực từ lâu nên chẳng thể kiểm soát nổi tình hình. Nguyên nhân là do dâu? Ông bà có câu: “thượng bất chính, hạ tất loạn”. Ở cấp càng cao, ăn của công càng mạnh. Trên ăn được, sao dưới lại không thể. Trên đã ăn rồi làm sao bắt dưới không ăn. Ăn, ăn, ăn … đã trở thành một thứ văn hóa quần chúng đến mức mà người dân buộc phải quen sống với nó. Hỏi ra thì bất kỳ người dân nào cũng biết câu “đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn” trong mọi hành xử của mình với những người thuộc chính quyền, thuộc những cơ quan quản lý nhà nước.

Còn nhiều nhiều câu chuyện như vậy nữa. Và đến lúc mà cuộc sống của hàng triệu người rơi vào đường cùng vì khủng hoảng kinh tế đang ngày thêm trầm trọng mà vẫn phải cung phụng cho một lớp người lương tâm bị chó tha quạ bắt thì điều gì sẽ xảy ra?

Công nhân đình công phản đối lương thấp, thất nghiệp kèm đói kém; xã hội bức bối khiến các vụ án mạng hình sự ngày càng rùng rợn; nông dân hợp lực chống đối chính quyền cướp đất; sinh viên trao tay truyền đơn kêu gọi thay đổi; trí thức với những bài viết phản biện xã hội trên mọi phương diện, v.v…

Tâm người dân đã bất phục. Trí người dân đang đặt ra những câu hỏi mà chính quyền này khó có thể trả lời. Tiền đề của một cuộc khủng hoảng chính trị đang dần biểu hiện … từng ngày … từng ngày. Lòng dân đang dần chuyển. Ai xoay ngược được bánh xe lịch sử thì … cứ thử xem.

Gõ Kiến

Có vẻ như “Đất nước” và “Nhân dân” là hai phạm trù rất gần gũi, rất thân thiết, có quan hệ máu thịt với nhau, thậm chí không thể tách rời nhau.

Từ hàng ngàn năm rồi, nhiều người đã hiểu như vậy, đã cảm nhận như vậy.

Tôi sẽ không viết được những dòng chữ có vẻ nghịch lý sau đây nếu không sống dưới chế độ “cộng sản”.

Sự kỳ quái của chế độ đó đã đánh thức mọi phản kháng trong tư duy, làm chúng ta vỡ mộng và vỡ luôn những nếp nghĩ khác.

Và một trong những phát hiện bàng hoàng nhất là: Đất nước và Nhân dân là hai thực thể có khả năng trở thành thù địch.

1

Từ thuở bé, con người đã gắn liền với đất nước mình qua lũy tre làng, dòng sông, bến đò, những bờ biển thơ mộng, những núi non hùng vĩ, những danh lam thắng cảnh…tất cả, góp phần tạo ra tâm hồn, tính cách và tình yêu của mỗi người, từ đó hình thành những mối dây ràng buộc, nhờ thế mà khi có ngoại xâm thì cả dân tộc cùng đứng lên, đồng lòng đánh đuổi chúng, giành lại từng tấc đất, từng ngọn rau…

Đó là những điều có thật. Đã từng xảy ra. Những tấm lòng yêu nước, những hy sinh vì tổ quốc, những anh hùng dân tộc… tất cả đều có thật.

Nam quốc sơn hà Nam đế cư
Lý Thường Kiệt cũng xem đất nước Việt Nam là của vua chúa nhà Lý
Đào Hiếu

Duy chỉ một điều nghịch lý, đó là: trong lịch sử nhân loại CHƯA BAO GIỜ ĐẤT NƯỚC LÀ CỦA NHÂN DÂN.

Ngày xưa, khi vua Vũ diệt được Trụ, dựng nên nhà Chu, thiên hạ ai cũng tôn phù.

Chỉ có Bá Di, Thúc Tề chê là bất nghĩa, không thèm ăn thóc nhà Chu, cùng nhau lên núi Thú Dương, hái rau độ nhật.

Sau, có người đến bảo: “Nhà Chu đã trị thiên hạ, thì nơi nào lại chẳng phải của nhà Chu, ăn rau núi này chẳng phải ăn rau nhà Chu ư?”

Hai ông nghe nói, bèn nhịn đói cho đến chết.

Rõ ràng thời ấy người ta quan niệm sông núi, kể cả rau rừng đều “của nhà Chu” nào phải của nhân dân.

Ngay cả hạt thóc là do mồ hôi nước mắt của nông dân làm nên mà cũng được gọi là “thóc nhà Chu” thì nhân dân còn lại gì?

Trong bài thơ “Nam Quốc Sơn Hà”, Lý Thường Kiệt cũng xem đất nước Việt Nam là của vua chúa nhà Lý khi ông viết: “Nam quốc sơn hà Nam đế cư” thì thật sự cũng đã “xí phần” cho triều đình hết rồi, còn gì cho đám dân đen nữa?!

Thời phong kiến, đất nước là của nhà vua nên mới có cha truyền con nối, nên trung quân và ái quốc mới gộp làm một.

2

Ngày nay người ta nói nhiều đến dân chủ.

Có vẻ như đất nước không còn là của “nhà Chu” nữa, có vẻ như “Nam quốc sơn hà” không còn của “Nam đế” nữa.

Vậy chắc là của nhân dân rồi!

Thử xem có phải vậy không?

Nếu cái đất nước giàu tài nguyên này, cái quê hương “rừng vàng biển bạc” này là của nhân dân, sao nhân dân nghèo khổ đến vậy?

Tại sao?
Đào Hiếu
Nếu cái đất nước giàu tài nguyên này, cái quê hương “rừng vàng biển bạc” này là của nhân dân, sao nhân dân nghèo khổ đến vậy?
Đào Hiếu

Sao những chàng trai nông thôn chân lấm tay bùn vẫn ở nhà tranh vách đất?

Sao những cô gái quê phải lên thành phố bán thân?

Sao bác phu xích lô vẫn còng lưng đạp mỗi ngày, sao lớp trẻ con nhà lao động phải nhễ nhại mồ hôi trong các khu chế xuất, các mỏ than, các nhà máy chế biến hải sản, lâm sản, nông sản…chỉ để kiếm chưa đến một trăm đô la mỗi tháng?

Sao nhân dân lao động vẫn phải chui rúc trong những căn nhà tồi tàn chật hẹp?

Nếu rừng là vàng, biển là bạc thì vàng ở đâu, bạc đi đâu, mà mỗi lần làm đường, xây cầu lại phải vay vốn ODA, vay vốn Ngân hàng Thế giới, Quỹ tiền tệ Thế giới… để xảy ra những vụ tham nhũng nhục nhã như PMU18, như vụ cầu Văn Thánh, như vụ PCI Nhật Bản…và hàng ngàn vụ khác?

Nếu đất nước này là của nhân dân thì sao dầu mỏ khai thác nhiều như vậy mà dân không giàu? mà Đảng lại giàu?

Nếu đất nước là của nhân dân sao lại chỉ có một nhúm các tập đoan tài phiệt phất lên nhờ kinh doanh rừng, biển, đất đai và lúa gạo… trong khi nhân dân thì bị cướp đất, rừng thì bị phá, thóc lúa thì bị thương lái ép giá, đẩy nông dân vào kiếp sống bần cùng?

3

Có quá nhiều bằng chứng để nói rằng trong lịch sử chưa bao giờ đất nước là của nhân dân.

Đất nước chỉ là của nhân dân trong các học thuyết, trong văn thơ, trong âm nhạc.

Không phải của nhân dân
Những khu đô thị mới, những resorts, những sân golf, những câu lạc bộ quần vợt, những cuộc thi hoa hậu liên miên kia… không bao giờ là của nhân dân.
Đào Hiếu

Đất nước chỉ là của nhân dân trong hoài niệm tuổi thơ, trong tâm tình chôn nhau cắt rún.

Trên thực tế đất nước bao giờ cũng là tài sản riêng của giai cấp cầm quyền.

Ngày xưa thì đất nước là của vua chúa, ngày nay đất nước là của các chính quyền.

Còn nhân dân?

Ngoại trừ số ít giàu có ở các đô thị lớn, đại đa số nhân dân lao động, công nhân, nông dân, công chức, tư chức ăn lương…chỉ có được một căn nhà nhỏ, một mái tranh nghèo, một cái ổ chuột tối tăm trong xóm lao động hay dưới gầm cầu.

Những nhà hàng, những khách sạn sang trọng, những vũ trường xa hoa, những cửa hàng lộng lẫy kia không phải của nhân dân.

Những khu đô thị mới, những resorts, những sân golf, những câu lạc bộ quần vợt, những cuộc thi hoa hậu liên miên kia… không bao giờ là của nhân dân.

Những mỏ bô-xit, mỏ than, mỏ dầu trị giá hàng ngàn tỉ đô la kia, những lâm sản, hải sản vô tận kia…chưa bao giờ là của nhân dân.

Nhân dân chỉ có cái tổ chim bé nhỏ của mình, nhân dân chỉ có vại cà, con mắm, củ khoai, rẫy bắp, chiếc xích lô đạp, chiếc xe máy để chạy xe ôm, để đi làm mỗi ngày.

Nhân dân không biết nghe nhạc giao hưởng, không biết hát Opera, nhân dân chỉ biết rao: “Cháo huyết đây!” Bánh mì nóng giòn đây!” Báo mới đây!” “Mài dao mài kéo đây!”…

Nhân dân không có vé vào xem thi hoa hậu hoàn vũ hay xem trình diễn thời trang, nhân dân chỉ có năm ngàn đồng đủ trả một cuốc xe ra đứng đầu đường Huyền Trân Công Chúa và gọi: “Đi chơi không anh?”.

Nhân dân không có ai bảo vệ, chỉ biết chạy trối chết khi bị công an đem xe tới xúc về đồn để “làm sạch thành phố.”

Trong thời chiến, bao giờ nhân dân cũng bị xem như một thứ “tài nguyên”, một “nguồn cơ bắp dồi dào” sẵng sàng cung cấp cho chiến trường để giành thắng lợi trong các cuộc chiến tranh mang danh nghĩa “giải phóng” “chống ngoại xâm” “thánh chiến” “vệ quốc”…

Tội nghiệp cho hàng trăm thế hệ những người lính đã ngã xuống trong các cuộc “chiến tranh thần thánh” ấy để rồi cuối cùng đất nước lại lọt vào tay một nhúm “đồng hương” chuyên nghề vơ vét.

Đất nước đã bị cưỡng đoạt.

Giờ đây, đối với nhân dân Việt Nam, nếu đất nước có còn được chút ý nghĩa, chính là vì nó đang ôm giữ trong lòng nó xương cốt của những người thân đã chết vì một lý tưởng hoang đường và một ước mơ không bao giờ có thật.

4

Trung Quốc chiếm đảo Hoàng Sa, rồi Trường Sa.

Vài trăm người biểu tình bị đàn áp, bị bắt, bị đe dọa.

Nhiều người hỏi tôi: “Sao không thấy ông viết về Hoàng Sa, Trường Sa mà chỉ viết về nhân quyền, về dân chủ?”

Chẳng lẽ tôi lại phải trả lời như thế này:

“Vì hai hòn đảo ấy người ta đã dâng cho Tàu rồi. Ai đòi lại được? Mà nếu như có đòi được thì cái lãnh thổ giàu tài nguyên ấy cũng đâu phải của nhân dân. Hai hòn đảo ấy cũng sẽ là tài sản của những kẻ cầm quyền và bọn tài phiệt, cũng sẽ bị chúng chia chác nhau mà ăn thôi.”

Về tác giả:Nhà văn Đào Hiếu, sinh năm 1946 ở tỉnh Bình Định, gia nhập Đảng Cộng sản năm 1968. Tham gia phong trào sinh viên miền Nam chống Mỹ, ông sau năm 1975 làm việc tại báo Tuổi Trẻ và NXB Trẻ TP. HCM. Năm 2008, ông công bố trên mạng hồi ký Lạc Đường, gây nhiều tranh luận.