Samstag, 14. Februar 2009

Xung đột 1979 là trách nhiệm của ai?

Xung đột 1979 là trách nhiệm của ai?
Cột mốc cũ của biên giới Việt Trung gần thác Bản Giốc


Năm tôi lên chín, Trung Quốc tấn công Việt Nam trên toàn tuyến biên giới phía Bắc.

Yếu tố chính trị trực tiếp nào đưa đến cuộc chiến năm 1979? Có phải là xu hướng “ly khai” của cộng đồng Hoa kiều phía Nam khi đòi giữ ngoại tịch và chối bỏ quốc tịch Việt Nam vào nửa cuối thập niên 70?

Hay là chính sách bài trừ tư bản mà cộng đồng Hoa kiều bị ảnh hưởng nhiều nhất? Hay đó là câu trả lời cho cuộc chiến của Việt Nam với Cambodia nhằm trừ khử Khme Đỏ, khi đó đang được Trung Quốc đỡ đầu?

Phải chăng Trung Quốc gây chiến để dằn mặt khi Việt Nam đang giao hảo chặt chẽ với Liên Xô và mở rộng ảnh hưởng tới Lào và Cambodia? Hay để Trung Quốc lấy điểm với Mỹ vì lúc đó chiến tranh lạnh vẫn đang căng thẳng?

Hay nó đơn thuần để giải quyết những xung đột nội bộ Trung Quốc để lại từ thời kì Tứ Nhân Bang ? Tất cả những khả năng trên các sử gia phương Tây cho tới nay vẫn chưa ai có số liệu thật đầy đủ và thuyết phục.

Vết thương khó lành

Nhưng cho dù với bất cứ lí do gì thì đây cũng là một cuộc chiến hết sức man rợ và vô nhân đạo, vì chưa đầy 30 ngày mà gần một trăm ngàn người (60-100 ngàn theo các số liệu khác nhau) của cả hai phía đã thương vong.

Chừng nào những ẩn số lịch sử về nguyên nhân cuộc chiến chưa được sáng tỏ trước cộng luận và lịch sử thế giới thì chừng đó nguy cơ để xảy ra những tranh chấp tương tự giữa Trung Quốc và các nước láng giềng còn có cơ hội tái diễn, đặc biệt khi nền chính trị tại quốc gia khổng lồ này còn dựa trên nền tảng độc tài toàn trị.

Mặc dù cuộc chiến đẫm máu chính thức diễn ra khá ngắn ngủi nhưng những đợt pháo kích dai dẳng dọc tuyến biên giới, kéo dài nhiều năm sau đó mới để lại những “vết thương” khó lành trong kí ức đương đại của dân chúng Việt Nam, đặc biệt là dân miền Bắc.

Làng tôi sống khi ấy gồm ba xóm, nay thuộc quận Ba Đình, vậy mà cũng có tới hai anh đi bộ đội bị pháo chết trên “chốt”.

Từ “lên chốt” đã có lúc được nhiều thanh niên nhắc tới như “ác mộng”. Dù mục tiêu chiến lược của việc tấn công Việt Nam vẫn còn nhiều uẩn khúc lịch sử nhưng về mặt nào đó Trung Quốc đã thành công trong việc gây nên một tâm lý lo lắng bất ổn, pha sự sợ hãi trong các thành phần dân chúng Việt Nam.

Việt Nam đang cho xây lại cột mốc mới gần thác Bản Giốc

Tuy nhiên điều Trung Quốc không lường hết là cuộc chiến 79 giống như một nhát cuốc tàn bạo, lật thẳng “tấm ván thiên” chôn nỗi căm thù sâu thẳm và âm ỷ của các dân tộc Việt với kẻ xâm lược ngàn năm từ phương Bắc.

Sự căm thù tưởng đã có lúc bị vùi lấp đi bởi “tấm tình đồng chí” môi hở răng lạnh, hay bởi những luận điệu tuyên truyền “Núi liền núi, sông liền sông” hữu hảo.

Xâm lăng 1979 đã đánh mạnh vào lòng tự hào của các dân tộc Việt, cái mà ở chừng mực nào đó đã giúp họ tồn tại anh dũng bên cạnh “đế quốc” Trung Hoa trong ngàn năm không bị đồng hóa, kể từ chiến thắng Bạch Đằng.

Mục đích Trung Quốc dạy cho Việt Nam một bài học bằng cuộc chiến 1979 có lẽ cũng man dại và phản tác dụng không khác gì việc trước đó quân đội Mỹ ném bom rải thảm nhằm đưa Hà Nội quay lại “thời kì đồ đá”.

Về mặt lịch sử, chiến tranh 79 là một mũi tiêm chủng tái khởi động ý thức đề kháng mãnh liệt chống lại dã tâm tạo ảnh hưởng và “kiểm soát” của Trung Quốc với Việt Nam ở hiện tại và tương lai.

Với những kí ức và thông tin của riêng mình có được, tôi không hề nghĩ rằng cuộc chiến tranh 1979 chỉ dừng lại ở khẩu hiệu của Đặng là “dạy cho Việt Nam một bài học”.

Cuộc chiến kéo dài

Cuộc chiến đã không thực sự kết thúc sau năm 1979. Hơn thế, nó là một tính toán lâu dài, thậm chí nó là một phần trong cả một chính sách lớn của Trung Quốc với Việt Nam mà hành động phát lộ đầu tiên là đánh chiếm Hoàng Sa năm 1974. Mặc dù trước đó lính Trung Quốc đã lấn chiếm bằng cách di dời cột mốc biên giới khi giúp chính quyền Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà làm đường.

Sự ngẫu nhiên của số phận và nghề nghiệp đã cho tôi thêm tư liệu và thông tin để nhìn nhận chi tiết mối quan hệ “vừa là đồng chí vừa là anh em” rất mai mỉa này.

Với quyết tâm tìm cho ra mối quan hệ của một số loài muỗi sốt rét chính ở Việt Nam và mối tương quan dẫn truyền của nó qua biên giới Việt-Trung, tôi đã đi hàng chục chuyến công tác tại dọc tuyến biên giới Việt Trung.

Ở nhiều nơi khi tôi đến, danh nghĩa là cuộc chiến đã qua 20 năm, ký ức về sự man rợ của cuộc chiến như vừa mới hôm qua. Lần đầu đến Hà Giang, ngồi cạnh bác lái già chạy xe Hà Giang-Vị Xuyên, ông kể. “Năm 79 nó sang, dân bên mình hoàn toàn bị bất ngờ, vì thế thiệt hại là vô kể.

''Nó rút đi đặt mìn giật sập bất cứ cái gì gọi là do tay con người tạo nên. Mìn nó còn gài lại vô số trong các khu dân cư, tỉnh lộ. Mà nào có yên, pháo nó còn “củng” sang đây liên tục tới năm 88-89.

''Thằng con tôi đi củi với hai thằng bé cùng lớp bị trúng mìn. Hai đứa chết, một đứa cụt hai chân, mù mắt”. Phía Việt Nam đã hoàn toàn bị bất ngờ trong cuộc chiến 79.

''Khu vực “Hữu nghị Quan”, dân các xã xung quanh kể lại là chiều hôm trước lính Tàu còn sang đá bóng với thanh niên địa phương và lính biên phòng Việt Nam. Tối hôm đó có chiếu bóng ngoài bãi, bọn lính Tàu còn sang chơi đầy, thế mà sáng hôm sau nó tấn công.''

Nhóm nghiên cứu của tôi đã “nằm” ở Cà Liểng, nơi có hẻm núi hẹp, độc đạo, mà xe tăng Trung Quốc đã vào Việt Nam ở ngả Cao Bằng. Một cô giáo bản, dân tộc Mèo “đen” sáng hôm đó chở ông bố xuống huyện khám bệnh.

Tự dưng thấy rất nhiều xe tăng với “bộ đội” ngồi trên ở phía sau tiến tới. Ông cụ giơ tay chào nhưng sau thấy xe tăng cứ tiến sát như muốn nghiến lên chiếc xe đạp, ông kêu ầm lên để các chú “bộ đội” nghe thấy.

Đột nhiên thằng ôn vật ngồi trên tháp pháo rút súng làm đánh đùng một cái vào đầu ông cụ.

Ông cụ lăn xuống chết tức khắc, cô con gái sợ quá quăng xe đạp lao vào rừng, chạy tắt xuống huyện đội. Lúc đó người ta mới ngã ngửa ra là Tàu đánh”. Dân Thạch An, Cao Bằng mạnh ai nấy chạy, giạt hết lên núi.

Vào sâu trong rừng, người đồng bào sau đó tìm thấy những vạt rừng phủ kín quần áo, võng, bạt, vỏ đồ hộp và phân…của bọn lính sơn cước Tàu. Chúng đã ém quân từ khá lâu trước đó. Từ đỉnh núi đồng bào địa phương nhìn ngay xuống bản, thậm chí sân nhà mình. Nhiều người phải liều mạng lẻn về để lấy muối, lấy dao, quần áo…

Vấn đề biên giới trên Biển Đông vẫn còn căng thẳng

Chiều đến họ thấy hàng chục thằng lính Tàu “vật nhau” với những chiếc xe đạp của dân bỏ lại.

Bọn lính này được tuyển mộ từ những vùng cực kì nghèo đói và lạc hậu của Hoa lục nên không biết ngay cả đi xe đạp.

Không ngạc nhiên rằng chúng hết sức tàn bạo và hung hãn. Đối với người dân tộc sống dọc các tỉnh biên giới phía Bắc, căn nhà và các vật dụng thiết thân như con dao, cái cối đá, ngọn đèn dầu là những vật vô cùng quí giá.

Nắm được tâm lí này, bọn lính Tàu được lệnh tàn phá mọi thứ dù là nhỏ nhất, trước khi rút đi.

Người dân các vùng từ Cao Bằng, Hà Giang, Lao Cai… đều kể cho tôi nghe những chi tiết khá tương tự rằng khi về lại nhà cũ, tất cả bị thiêu trụi. Những chiếc đèn dầu hỏa, vại dưa, chum nước, cối đá… đều bị đập vỡ, ngay cả những con dao bài giắt ở vách bếp cũng bị chặt vào nhau cho nát lưỡi dao, giếng nước bị sâp vì lựu đạn tống xuống.

Năm 1986, trong một chuyến thực tập hè ở Lương Sơn, Hòa Bình, tôi ở cùng những trung đoàn lính Việt nam đang tập đạn thật vì địa hình Lương Sơn tương tự Vị Xuyên, Hà Giang.

Sau một tháng họ sẽ đi Vị Xuyên. Những người lính trẻ âu lo vì những tin tức ác liệt từ Vị Xuyên và các điểm nóng khác vẫn truyền về trong suốt nhiều năm sau 1979.

Đầu năm 1988, Trung Quốc tấn công Trường Sa, 74 bộ đội Việt Nam đã bị thiệt mạng.

Năm 1995, theo anh bạn học làm kiểm dịch sinh vật, tôi lên cửa khẩu Chi Ma. Mặc dù hai nước lúc đó đã “bình thường hóa” và thông thương buôn bán nhưng những dãy đồi trùng điệp liền kề với cửa ải này vẫn dày đặc các trận địa mìn.

Xung đột lẻ tẻ trên đường biên vẫn liên tiếp xảy ra. Ban đêm, các cột mốc bị di dời vào đất Việt Nam như cơm bữa. Nhiều năm trở lại đây, trên biên giới bộ cột mốc vẫn bị di chuyển.

Trên biển, Trung Quốc nhiều lần dùng tàu chiến tấn công thuyền đánh cá và giết hại ngư dân Việt nam. Sự leo thang đã trắng trợn tới mức báo động khi Trung Quốc tuyên bố Hoàng Sa và Trường Sa là thuộc huyện Tam Sa của Hải Nam cuối năm 2007, xua đuổi các công ty liên doanh thăm dò dầu khí ở vùng Nam Côn Sơn của Việt nam và vừa rồi quyết định đầu tư 29 tỷ đôla để khai thác dầu trong hải phận Việt Nam.

Tiền Việt Nam giả được in bằng những kỹ thuật tinh vi từ Trung Quốc, tràn ngập qua các ngả biên giới vào Việt Nam. In bạc giả là một loại tội phạm nghiêm trọng ở mọi quốc gia. Sản xuất tiền giả để tung vào quốc gia khác là vi phạm luật pháp và công ước quốc tế.

Chính quyền Trung Quốc hoàn toàn im lặng trước những hoạt động tội phạm quy mô lớn này. Rõ ràng sự tấn công Việt Nam bằng quân sự trên biển và đất liền, tấn công chính trị và ngoại giao, tấn công phá hoại kinh tế… kéo dài hàng chục năm sau cuộc chiến, qua nhiều đời Tổng bí thư của Trung Quốc ắt phải là mưu đồ làm cho nước láng giềng nhỏ bé phải “chảy máu” tới chết.

Người Mỹ từ lâu đã có trách nhiệm hỗ trợ rà gỡ bom mìn trong chiến tranh, sao tới nay người Trung Quốc vẫn tảng lờ những trận địa mìn nằm trên đất Việt?

Theo tính toán của Bộ Quốc Phòng Việt Nam, sẽ còn mất hàng chục năm nữa để giải phóng các trận địa mìn nằm trên đất Việt, dọc biên giới phía Bắc.

Những trái mìn Made in China đang nằm trên đất Việt chính là những bằng chứng hiển nhiên để mỗi người dân Việt nam có cơ hội để đánh giá sự thành thật, thiện chí theo phương châm “16 chữ vàng” từ phía nước láng giềng khổng lồ phía Bắc này.

Qủa bom bùn nặng 20 triệu tấn từ Tây nguyên

Khai thác Bauxit ở Tây Nguyên: “Bom bùn” 20 triệu tấn bị đặt ngoài vòng kiểm soát
Mặt bằng và hồ chứa bùn thải nhà máy Alumin Nhân Cơ (Đăk Nông) đang được TKV gấp rút triển khai

“Quả bom bùn” nặng 20 triệu tấn

Toàn tỉnh Đăk Nông có 13 mỏ Bauxit, trải đều trên địa bàn các huyện nằm ở thượng nguồn 2 hệ thống sông lớn là Srepok (gồm các nhánh Krông Bông, Krông Păk, Krông Ana, Krông Nô - đổ vào dòng chính sông Mê Kông) và Đồng Nai (gồm các nhánh chính là Đăk Huýt, Đăk Glun, Đăk Rtit, Đăk Nông - đổ vào sông Đồng Nai). Phần diện tích sông Srepok trên địa bàn Đăk Nông là 3.583 km2 (chiếm 50% diện tích toàn tỉnh), sông Đồng Nai là 2.934,4 km2 (chiếm 45% diện tích tỉnh). Thượng nguồn của cả 2 hệ thống sông này đều có địa hình thuận lợi, tạo thành các hồ chứa bùn.

Theo các nhà khoa học Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, các D.A khai thác đều cần đến những diện tích đất rất lớn làm bãi thải bùn. Kết quả tính toán cho thấy, để chế biến được 1 tấn Alumin từ Bauxit, các nhà máy phải thải ra môi trường 3 tấn bùn đỏ. Cứ mỗi năm trong giai đoạn 2007 - 2015 (thực hiện theo quy hoạch), các D.A ở Tây Nguyên sẽ sản xuất 6,6 triệu tấn Alumin và lượng bùn đỏ (gấp 3 lần sản lượng chế biến) là 20 triệu tấn. Các hồ chứa quá mong manh trước biến cố thiên tai như lụt, lũ quét… là nguyên nhân dẫn đến thảm họa môi trường trong tương lai! “Quả bom bùn” nặng 20 triệu tấn lúc nào cũng sẵn sàng “nổ tung”, san phẳng một vùng đồng bằng rộng lớn. Thảm họa sẽ khủng khiếp hơn khi hạ lưu sông Đồng Nai và các dòng chảy đổ vào sông Mê Kông bị bùn đỏ vùi lấp.

“Bom bùn” bị đặt ngoài quy hoạch đã được phê duyệt

Một trong những D.A khai thác Bauxit đầu tiên được triển khai ở tỉnh Đăk Nông là Nhà máy Alumin Nhân Cơ. Tại công trường thi công, chúng tôi được ông Nguyễn Phú Dương, Phó Tổng Giám đốc Cty Cổ phần Alumin Nhân Cơ thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) cho biết, diện tích hồ chứa bùn đỏ là 200 ha, gấp 3 lần diện tích mặt bằng nhà máy. Hồ chứa bùn chỉ có “1 cửa” để tránh bị vỡ do biến cố thiên tai. Với tư cách nhà đầu tư, ông Dương nêu ra các yếu tố an toàn khác như toàn bộ diện tích 200 ha đáy hồ được nện đất sét và lót bạt chóng thấm…

Có điều, những giải pháp này của ông Dương và của cả lãnh đạo TKV không những không thuyết phục được giới khoa học mà trái lại, còn bị phản bác quyết liệt. Ý kiến phản bác gay gắt nhất về khai thác Bauxit ở Tây Nguyên thật trớ trêu lại đến từ TS Nguyễn Thành Sơn của chính TKV. Theo ông Sơn: “Chỉ riêng D.A của Cty Cổ phần Nhân Cơ, phần đuôi quặng nước thải và bùn đỏ có khối lượng hơn 11 triệu tấn/năm. Dung tích hồ thải bùn đỏ 15 năm là 8.754.780m3. Tổng lượng bùn thải vào hồ là 1.733 tấn/ngày. Lượng nước thải phải bơm đi từ hồ là 5.959.212m3/năm. Với quy mô như vậy, thiệt hại do vỡ đập là không thể kiểm soát được và nguy cơ vỡ đập không thể lường trước. Một D.A khác ở Tân Rai (Lâm Đồng) có khối lượng bùn đỏ thải ra môi trường là 826.944m3/năm. Khối lượng quặng Bauxit khai thác của D.A này lên đến 2,23 triệu m3/năm dẫn đến nguy cơ tổng lượng bùn đỏ phải tích tụ thường xuyên trên cao nguyên Lâm Đồng là 80 - 90 triệu m3 (trong khi tổng dung tích hồ chứa của D.A chỉ có 20 - 25 triệu m3)…”.

Đưa ra các số liệu như thế nhưng TS Nguyễn Thành Sơn và phần lớn các nhà khoa học tên tuổi đều thật sự lúng túng trong việc đưa ra giải pháp hữu hiệu chế ngự “bom bùn”… Ông Sơn thậm chí còn dẫn chứng một số quốc gia như như Pháp, Áo phải xử lý vấn đề bùn đỏ bằng cách rẻ tiền là đổ ra khu vực gần biển! Sự lúng túng của các nhà khoa học Việt Nam hoàn toàn có cơ sở khi chính họ đang rất hoài nghi về thiện chí cùng khả năng tài chính của TKV. Chi phí cho việc “chôn cất” vĩnh viễn bùn đỏ bằng công nghệ tiên tiến lên đến hàng trăm triệu USD (cho một D.A khai thác diện tích vài chục ha) trong khi đó thì báo cáo và cam kết của chủ đầu tư TKV lại không dành trọng tâm cho vấn đề quan trọng bậc nhất này.

Trong Quyết định số 167/2007/QĐ - TTg (phê duyệt quy hoạch phân vùng, thăm dò, khai thác, chế biến sử dụng quặng Bauxit giai đoạn 2007 - 2015, có xét đến năm 2025) Thủ tướng đã yêu cầu: “Xây dựng, phát triển công nghiệp khai thác, chế biến quặng Bauxit bằng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, phải bảo đảm phát triển hài hòa kinh tế - xã hội khu vực Tây Nguyên và các địa phương liên quan”. Rõ ràng, sự đầu tư “nóng” của TKV trong khai thác quặng Bauxit đang đặt “quả bom bùn” nặng 20 triệu tấn ra ngoài ý kiến chỉ đạo phê duyệt quy hoạch!

báo Thanh Tra

Aluminum



Các nhà khoa học, Tập đoàn Than và Khoáng sản, cũng như tỉnh Đắk Nông đang thảo luận về đại dự án khai thác bô - xít ở Tây Nguyên. TS. Nguyễn Thành Sơn đã cung cấp cho cuộc thảo luận thêm một bức tranh tổng thể về lịch sử và xu hướng phát triển của ngành công nghiệp này trên thế giới.

>> Bài 1: Đại kế hoạch bô - xít ở Tây Nguyên bị phản đối quyết liệt
>> Bài 2: Nguy cơ hiện hữu trong các dự án bô - xít trên Tây Nguyên
>> Bài 3: Đại dự án bô - xít Tây Nguyên: người trong cuộc đề xuất gì?

Dân Ấn Độ ở Niyamgiri cho thấy khai thác bô - xít không mang lại việc làm
cho họ (ảnh: Savingiceland)

Lịch sử ngành nhôm

Theo truyền thuyết, một kim loại gì đó giống như nhôm đã được nhắc đến từ thế kỷ đầu tiên của Công nguyên. Một người thợ dâng cho hoàng đế Tibery một cục kim loại mầu bạc đẹp, nhẹ và tâu rằng mình đã tự làm từ đất sét. Thay vì ban thưởng, hoàng đế đã ra lệnh chặt đầu người thợ và phá hủy toàn bộ xưởng, để thủ tiêu phương tiện có thể làm giảm giá trị vàng bạc của hoàng đế.

Thế kỷ 16, Parasel đã làm ra được kim loại (nhôm) từ bùn đất. Thế kỷ 18, nhà hóa học Andreas Marggraf người Đức đã điều chế được một kim loại “alumen” (nghĩa là “mềm dẻo” theo tiếng La tinh). Từ đó, “alumen” được coi là tên cúng cơm đầu tiên của nhôm.

Năm 1808, Humphry Davy người Anh đã thu được “alumen” bằng phương pháp điện phân.

Năm 1825, kỹ sư Hans Christian Orsted người Đan Mạch đã cho clo đi qua hỗn hợp của alumina với than, sau đó đem nung với kali và thu được nhôm. Kết quả thí nghiệm đó được công bố trên một tạp chí không mấy nổi tiếng, đã làm cho Friedrich Wöhler người Đức tiêu phí 18 năm (cũng bằng cách của Hans) để thu được nhôm dạng miếng.

Đến năm 1854, nhà hóa học người Pháp Henri Saint-Claire Deville đã sáng chế ra phương pháp điều chế nhôm rẻ tiền hơn. Năm 1855, tại thủ đô Paris đã có cuộc hội thảo nổi tiếng mang tên “Bạc từ đất sét”. Hoàng đế Napoleon III đã tham dự và được Deville trao tặng một phẩm vật bằng nhôm. Mơ ước trang bị cho quân đội những chiếc mũ bằng kim loại nhẹ, Napoleon đã ủng hộ hết mình để Deville xây dựng các xưởng luyện nhôm. Nhưng sản phẩm của Deville có giá thành quá đắt, thay vì đặt trên đầu các chàng lính chiến của Napoleon, lại trở thành đồ trang sức trên cổ của các quý bà nhiều tiền.

Mãi đến cuối thế kỷ 19, nhôm rẻ tiền mới ra lò nhờ nỗ lực của sinh viên Charles Hall người Mỹ và kỹ sư Paul Héroult người Pháp. Phương pháp điều chế nhôm bằng điện phân của hai người tốn quá nhiều điện nên nhà máy luyện nhôm đầu tiên đã phải đặt ngay cạnh nhà máy thủy điện Reisk của Thụy Sỹ.

Niềm tự hào thuộc về người Nga khi công nghiệp nhôm của thế giới gắn liền với tên của một kỹ sư Nga gốc Áo là Carl Josef Bayer. Quy trình sản xuất alumina mang tên Bayer (cùng với Holl Eru) đã và đang được áp dụng đến ngày nay để thu được nhôm gần như nguyên chất: nhẹ, rẻ, nhưng mềm và không bền.

Tên của Bayer chắc cũng “bay hơi” nếu không nhờ nhà hóa học người Đức Alfred Wilm nghĩ ra cách trộn nhôm với đồng, ma nhê, và măng gan để thu được một kim loại vừa nhẹ lại vừa bền. Năm 1911, tại một thành phố nhỏ của Đức có tên Diura, mẻ hợp kim của nhôm ra đời, từ đó có tên như chúng ta gọi là đuyra. Nhờ có “Diura”, năm 1919 chiếc máy bay đầu tiên của loài người đã ra đời và cất cánh.

Trong bảng tuần hoàn của Menđêlêép, nhôm có vị trí không mấy “đẹp” (nguyên tố thứ 13), nhưng nhôm chiếm 7,45% trọng lượng của vỏ trái đất và đứng thứ ba về khối lượng của hành tinh, chỉ sau ô xy và cremnhi. Vì tính phổ biến, không có quốc gia nào coi bô - xít là tài nguyên chiến lược như than, dầu, khí, uranium. Do có thể thay thế, nhôm cũng không phải là kim loại quý hiếm như vàng, bạc, đồng, chì, kẽm, titan, vonfram…

Tuy có rất nhiều công dụng, nhôm chưa bao giờ được coi là kim loại chiến
lược. (ảnh: Hydro Aluminum)

Ba yếu tố làm tăng nhu cầu nhôm của thế giới

Yếu tố thứ nhất: Trung Quốc hiện đang tiêu dùng ¼ sản lượng nhôm của thế giới. Ngành xe hơi của TQ từ nay đến năm 2011dự báo tăng trưởng 7-14%/năm. Năm 2007, lĩnh vực xây dựng đã tiêu dùng tới 12% sản lượng nhôm. Trong 8 năm tới, mức tăng dân số cơ học của thành thị TQ bình quân khoảng 16 triệu người/năm. Những yếu tố đó sẽ biến TQ thành nước tiêu dùng nhôm hàng đầu thế giới (chiếm 36%) vào năm 2010.

Yếu tố thứ hai: do nhu cầu giảm phát thải, các nước công nghiệp sẽ có nhu cầu gia tăng kim loại nhẹ. Trong lĩnh vực xe hơi, bình quân 1 kg nhôm thay thế kim loại nặng khác sẽ giảm tiêu hao 8,5 lít xăng, và giảm 20kg chất phát thải. Nếu trọng lượng của xe giảm 10% sẽ cho phép tăng 9% hiệu suất sử dụng nhiên liệu.

Yếu tố thứ ba: việc tăng giá của các kim loại quý như chì, đồng làm tăng nhu cầu nhôm trong các lĩnh vực như điện, vận tải, đóng tàu, xây dựng…

Tuy nhiên, thực tế không đơn giản là cứ có nhu cầu cao, sẽ có lợi nhuận cao.

Hiện tại của những cạnh tranh khốc liệt

Trong lịch sử tồn tại gần 1,5 thế kỷ, nhôm mới kịp đi được đoạn đường từ trang sức đến vật liệu không chiến lược. Tuy vậy, ngành nhôm của thế giới có rất nhiều điểm mất cân đối và mâu thuẫn dẫn đến cạnh tranh khốc liệt.

Trước hết, mâu thuẫn về phân bố tài nguyên: quặng bô - xít phần lớn được tạo thành do quá trình phong hoá lâu dài trong các điều kiện khí hậu nóng ẩm. Vì vậy, hơn 90% trữ lượng bô - xít của thế giới tập trung ở 18 nước vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới. Các nước công nghiệp phát triển, có nhu cầu tiêu thụ lớn, lại nằm ở những vùng khí hậu hoàn toàn khác.

Thứ hai, mâu thuẫn giữa “tiềm năng được dự báo” với “trữ lượng được xác định thực sự”. 2/3 tiềm năng bô - xít của thế giới nằm ở 6 nước: Guinea (20 tỷ tấn); Úc (7 tỷ); Brazil (6 tỷ); Việt Nam (3 tỷ); Ấn Độ (2,5 tỷ); và Indonesia (2 tỷ). Trong khi đó, 65% trữ lượng đã được khẳng định của thế giới nằm ở 6 nước: Guinea (21%); Brazil (15%); Australia (11%); Jamaica (7%), Camerun (6%); và Mali (4,5%).

Việt Nam chưa có tên trên bản đồ trữ lượng bô - xít thế giới, vì mới chỉ có hai địa điểm được xác định “trữ lượng có thể khai thác” là mỏ 1 tháng 5 và Gia Nghĩa. Phần lớn các khu vực còn lại mới chỉ được đánh giá trên cơ sở một số báo cáo địa chất còn nhiều mâu thuẫn, chưa được thăm dò đánh giá theo chuẩn mực của thế giới cũng như của VN.

Thứ ba: mâu thuẫn giữa phân bổ lực lượng sản xuất với hình thức sở hữu. Mười nước có sản lượng alumina lớn nhất thế giới gồm: Australia (45 triệu tấn), Guinea (17), Jamaica (13), Brazil (12), Trung Quốc (9), Ấn Độ (6), Venezuela (5), Surinam (4), Russia (4), Kazachstan (4). Nhưng mười đại gia nhôm của thế giới lại không trùng với mười nước có sản lượng lớn nhất.

10 tập đoàn sản xuất nhôm hàng đầu thế giới

Các tập đoàn đại gia về nhôm chính là hiện thân của sự cạnh tranh trong ngành nhôm thế giới. 10 tập đoàn nhôm hàng đầu thế giới không nhất thiết là của 10 nước có sản lượng lớn nhất thế giới.

10 tập đoàn nhôm lớn nhất thế giới, lần lượt là của Nga, Mỹ, Canada, Trung Quốc,
Áo, Anh… (nguồn: aluminumleader.com)

Điểm nổi bật của các tập đoàn này có thể tóm gọn như sau: (1) Các đại gia này đều là những tập đoàn có mối liên kết từ khai thác bô - xít đến luyện nhôm và sản xuất ra sản phẩm như giấy nhôm cho các bà nội trợ, vỏ hộp bia, hay giấy gói viên Viagra…; (2) Họ trở thành đại gia chủ yếu bằng con đường sáp nhập, thâu tóm; (3) Họ đang nắm giữ gần như toàn bộ trữ lượng bô - xít tốt (có hàm lượng trên 50%) của thế giới; (4) Năng lực sản xuất của các đại gia còn nhiều mặt mất cân đối, khả năng tiếp tục “thâu tóm” lẫn nhau vẫn còn bỏ ngỏ.

Ba xu thế phát triển của các tập đoàn nhôm

Xu thế thứ nhất- sáp nhập các công ty nhỏ: Tập đoàn UC Rusal của Nga năm 2007 đã thâu tóm cổ phần của 3 công ty Rusal, Sual, và Glencore để nắm giữ trữ lượng bô - xít lớn nhất, khoảng 3,3 tỷ tấn.
Đứng thứ nhì, Rio Tinto có trong tay 3,29 tỷ tấn. Trong khu vực Châu Á, Chalco của TQ đứng thứ 4 với 1,92 tỷ tấn. Hai công ty của Mỹ và Canada, đứng thứ 2 và thứ 3 về sản xuất alumina, nhưng chỉ nắm giữ lần lượt 1,89 và 0,38 tỷ tấn trữ lượng bô - xít. Năm 2007, Rio Tinto đã muốn mua Alcan nhưng chưa thành. Năm 2004 Alcan đã nuốt chửng Pechiney của Pháp nên họ chắc đã có kinh nghiệm để từ chối “củ cà rốt” của Rio Tinto.

Alcoa của Mỹ thường xuyên có mặt trên các thị trường chứng khoán như một đối tác đầy tiềm năng của các vụ mua bán, sáp nhập và sẵn sàng nuốt chửng bất cứ đối thủ nào.

Bên cạnh VN, tập đoàn Chalco của TQ, như một mãnh hổ cũng đang chờ đợi hàng trăm công ty nhỏ thời gian tới sẽ phải co cụm, sáp nhập lại với nhau, hoặc lần lượt bước qua miệng hổ.

Xu thế thứ hai- đẩy ra xa các rủi ro: Trước đây, việc khai thác bô - xít thực hiện ở các nước có trữ lượng, sản xuất alumina và luyện nhôm ở các nước phát triển để tránh rủi ro về chính trị. Ngày nay, khai thác, tuyển bô - xít, sản xuất alumina, luyện nhôm đều ở các nước nghèo, vừa tranh thủ nguồn điện rẻ của các nước này, vừa để các nước giàu tránh được ô nhiễm.

Trong 18 tháng qua, Tây Âu phải đóng cửa và di chuyển ra ngoài biên giới các nhà máy có tổng công suất lên tới 354.000 tấn nhôm/năm. Trong vòng 1,5 năm tới, ở châu Âu sẽ đóng cửa tiếp thêm 3 nhà máy luyện nhôm với tổng công suất 206.000 tấn/năm.

Trong khi đó, sản lượng nhôm đang gia tăng tại Ấn Độ, Trung Quốc, Nga, Tiểu vương quốc Ả Rập. Theo ước tính, trong vòng 4 năm tới, mỗi nước trên sẽ tăng công suất thêm khoảng 500.000 tấn nhôm/năm. Đến 2011, Trung Quốc sẽ trở thành nhà vô địch với tổng công suất luyện nhôm lên tới 7,6 triệu tấn/năm.

Xu thế thứ ba- gắn chặt với thuỷ điện: Trong quá khứ, cũng như hiện tại và tương lai, nhôm phụ thuộc hoàn toàn vào điện. Các tập đoàn nhôm luôn phải gắn với nguồn cung cấp điện rẻ tiền. Gần 80% sản lượng alumina và nhôm của UC Rusal và 65% sản lượng nhôm của thế giới được sản xuất nhờ nguồn thủy điện. Thủy điện là mô hình liên kết ngang duy nhất của các đại gia nhôm. Chính vì vậy, các nhà máy luyện nhôm đã lần lượt chia tay “mẫu quốc” để đến với các nước đang phát triển có giá điện rẻ.

Nhà máy luyện nhôm Sandow lớn nhất nước Mỹ sẽ đóng cửa cuối năm 2008.
Tập đoàn Alcoa đã phải xây 4 nhà máy điện với tổng công suất 960MW để cung cấp
điện cho nhà máy luyện nhôm này .

Hai vấn đề còn tồn tại trong ngành bô - xít

Các đại gia trên thế giới luôn phải đối mặt với hai vấn đề căng thẳng về xã hội, nhưng vẫn chưa có lời giải hữu hiệu.

Tồn tại thứ nhất- vấn đề bùn đỏ: Mặc dù 87% các nhà máy của UC Rusal đã đạt tiêu chuẩn về môi trường (theo ISO 14001), từ năm 2000 đến nay Rusal đã phải đầu tư 1 tỷ đô la cho vấn đề môi trường. Dự kiến trong giai đoạn 2007-2013 sẽ phải đầu tư tiếp 1,4 tỷ đôla nữa.

Nhà máy alumina của Rusal dự kiến xây dựng ở Komi (có tổng mức đầu tư 2 tỷ USD, công suất 6 triệu tấn bô - xít/năm, tương đương 1,5 triệu tấn alumina hay 0,5 triệu tấn nhôm) đã bị dư luận xã hội phản đối do chưa được nhà nước thẩm định về sinh thái. Các phương tiện thông tin đại chúng phát hiện quặng bô - xít của nhà máy đã làm cho mức phóng xạ nền của địa phương tăng đột biến gần 40 lần, từ 10-12 micron rơngen/h lên tới 400 micron rơgen/h.

Các chuyên gia của Rusal thừa nhận trong quá trình sản xuất, toàn bộ thành phần gây ra phóng xạ cao sẽ nằm lại vĩnh viễn trong bùn đỏ. Người dân địa phương tất nhiên không hoan nghênh món quà này. Còn các cơ quan chức năng cũng chẳng dám phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, mặc dù Rusal đã hứa sẽ xây dựng khu chôn cất chất bùn đỏ rất hoành tráng.

Các dự án alumina trên thế giới không chỉ có các cơ quan chức năng của nhà nước thẩm định, mà còn phải thông qua thẩm định và thỏa thuận của cộng đồng dân cư về môi trường và sinh thái.

Một số nước như Pháp, Áo xử lý bùn đỏ bằng cách đổ ra gần biển. Nước biển và bùn đỏ có thể chung sống bền vững với nhau. Ở Việt Nam, các chuyên gia của COMECON trước đây cũng đã tính tới phương án đưa quặng từ Tây Nguyên xuống Bình Thuận để tuyển và sản xuất alumina, để đưa bùn đỏ ra biển. Nhưng chi phí sẽ rất cao (phải vận chuyển không công gần 70% khối lượng), nên dự án không khả thi.

Chi phí cho việc chôn cất bùn đỏ rất đắt tiền. Dự án ở Aughinsh ở Izland với diện tích 78ha (giai đoạn 2) triển khai trong các năm 2008-2010 sẽ tiêu phí hết 60 triệu USD . Dự án Euralumina (ở Ý) mở rộng bể chứa bùn đỏ gần bờ biển triển khai giai đoạn 2008-2010 sẽ tiêu tốn 81,5 triệu USD.

Đáng chú ý, công ty TenCate của Mỹ đã đưa ra công nghệ Geotube® lưu giữ bùn đỏ trong các túi đặc biệt. Trên cơ sở đó, Canada đã đầu tư 226,8 triệu USD để xây dựng một nhà máy chuyên sản xuất túi đựng bùn đỏ công suất 80.000 tấn/năm (dự kiến hoàn thành cuối 2008). Rusal cũng dự tính sẽ dùng các túi Geotube này để đựng bùn đỏ.

Tồn tại thứ hai- vấn đề việc làm: Ngành bô - xít của thế giới, cũng như của VN, thường phát triển ở những vùng nghèo đói, thưa dân cư, cộng đồng kém phát triển. Vì vậy, về mặt xã hội, một vấn đề tồn tại lớn nữa của ngành bauxte trên thế giới có liên quan đến cộng đồng xã hội là khả năng tạo thêm chỗ làm việc cho dân cư tại chỗ.

* TS. Nguyễn Thành Sơn