Mittwoch, 18. Februar 2009

17/2 cha và con đều có kỷ niệm .

17/2 này cha con đều có kỷ niệm Vergrößern
Chụp 1981 tại Phong Thổ Lai Châu (áo sẫm)và Đặng Huy Bỉnh


con trai bế em



Nay đã yên bình tròn 30 năm kể từ mốc 17/2/79 . Nếu mà đi vào chi tiết từng sự kiện thì cho đến ngày nay cũng không bình yên 1 chút nào . Đấy là tôi tự ngẫm lại bản thân mình đã trải , và báo chí thường ngày . Nhất là báo chí nước ngoài nóng hổi thường xuyên đề cập.
Là người tham gia sau đợt tổng động viên năm 79 . Tháng 2 / 81 Trung đoàn tôi đc lệnh điều thẳng lên Sư đoàn 356 QK II Lào Cai (Hoàng liên sơn) huấn luyện thành lính bộ binh cấp tốc . Sau 3 tháng huấn luyện biết bắn súng lăn lê bò toài thành thạo . Lệnh của trên điều tiếp lên tuyến 1 huyện Phong Thổ Lai Châu. Tỉnh này sát Biên giới TQ địa hình núi non hiểm trở . Lúc này chúng tôi thuộc quân số trung đoàn 46 của Sư 326 nắm vùng Phong Thổ . Trong đơn vị chúng tôi có nghe mong manh tuy rằng sau tháng 2/1979 nhưng chiến sự vẫn nổ ra lẻ tẻ tuy không "lớn". Không lớn theo từ chúng tôi dùng có nghĩa là không dùng Trọng pháo , cao nhất là dùng pháo bộ binh 12,7ly mà thôi . Tôi nhớ lại năm đó . Nửa đêm nhận đc mệnh lệnh " di chuyển đơn vị" từ D phát ra (D là tiểu đoàn). Kể ra cũng thật hồi hộp lo lắng nhưng 100% anh em nhận lệnh lúc đó không ai ngạc nhiên cả , chỉ biết rằng sẽ phải ra tuyến trước và không biết thời điểm nào thôi . Không khí im lặng đến lạnh người khác hẳn không khí thường ngày như những lúc luyện tập hay tăng gia LĐ . Chỉ có 1 vài tiếng ho húng hắng trong đoàn quân gần 500 con người . Đứng trong hàng ngủ đợi giờ hành quân lên đường , tôi hỏi Phúc chuối (Khâm Thiên HN) nổi tiếng là nhát ở đơn vị : " Mày có hãi không Phúc ?
Phúc trề môi , sĩ diện: Chết thì thôi , sợ đéo gì . Nhìn khắp Tiểu đoàn đêm hôm đó tôi nhìn đoàn quân đêm đó sao mà nhiều và dài thế , ra hoá là trên lưng anh nào anh nấy 1 Balô căng phồng kèm theo súng và 3 cơ số đạn cộng với 3 quả lựu đạn chày đeo lủng lẳng bên hông trông to gấp đôi ngày thường , có thằng còn đem theo cả đàn Ghita . Thậm chí cả điếu cày nữa...
Sau 1 ngày hành quân lên chốt , ai nấy đều mệt lả . Nào đâu có đc nghỉ mà mỗi người đều lo đào hào công sự , riêng trung đội tôi là oải nhất vì là đơn vị 12ly7 cho nên phải chiếm lãnh ở vị trí cao nhất đến khi xong công việc thì cũng gần sáng . Tất cả bọn tôi trải nylon nằm lăn quay trong giao thông hào ngủ như chết. Trong thời gian đóng chốt này rất may là Tầu không đụng đến . Hồi đó tôi còn nhớ , hễ có lệnh báo động địch tấn công là dùng B40 phát hoả báo động thay vì dùng kẻng hay kèn , còi làm hiệu lệnh . Phải nói rằng trong 45 ngày đóng chốt tuyến 1 bọn tôi cũng sướng ngoài ngày ăn ngủ chơi bài đêm gác không phải làm gì thi thoảng lại được tiêu chuẩn đồ hộp do Nga viện trợ ăn ngon phết , tất nhiên không phải ngày nào cũng có . Lính tiêu chuẩn Đại táo như chúng tôi làm gì có như cấp trên là Trung hoặc Tiểu táo . Ngày 2 bửa cấp dưỡng nấu chỉ có cơm với muối vừng , rau rừng, rau dớn, măng rừng rau cải , mắm tôm hoặc chút thịt rang mặn . Khổ nhất trên chốt cao đối với bọn tôi là nước , nước hiếm phải đi xuống khe hoặc vực sâu lấy cho vào túi nylon bọc lại bỏ vào bao lô cõng lên chốt . Cứ mỗi lần đi lấy nước là tiện thể tăm giặt luôn và phải có 2-3 thằng đi cùng để cảnh giới cho nhau và cùng mang nước lên. Cả đi lẫn về mất gần 2 tiếng . Đến nơi mồ hôi nhễ nhại lại bẩn như cũ quần áo rách bươm . Còn khoản ăn xong rửa bát , cũng không rửa luôn . Vì là bát sắt tráng men và tiết kiệm nước chúng tôi sáng kiến lấy tro than hồng đổ vào bát sát xoáy 1 vòng rồi lấy cỏ sạch lau , cũng tiện phết. Chỉ khổ là ban đêm , lệnh trên ra không được đốt lửa vì lính Sơn cước của Tầu cứ thấy có lửa là hay đánh úp hay dùng đó là mục tiêu .Muốn hút thuốc lá hay thuốc lào là phải kín đáo trong giao thông hào. Sau này ở trên chốt diết rồi cũng quen thi thoảng vẫn bỏ gác ngủ một mạch tới sáng . Kể cũng liều nếu bị địch đánh úp là chết hết. Đơn vị tôi cũng từng qua trận mạc và cũng đc học qua tác chiến . Địch muốn tấn công kiểu gì cũng phải cho pháo dọn đường trước sau đó bộ binh mới lên sau . Sìn Hồ nơi chúng tôi chốt là vùng núi có nhiều núi đá tai mèo hiểm trở . Tầu có sơi bọn tôi cũng hơi khó, kể cả cho pháo dọn đường hoặc cho lính đặc công sơn cước lên đánh cũng không lại được là bởi vì chúng không thông thuộc địa hình ,hầm hào chúng tôi đào hình chữ chi chạy loằng ngoằng khắp nơi tạo thành 1 chân rết ôm cả 1 vùng liên kết hỗ trợ với nhau rất chắc chắn . Có những hôm đi thăm hỏi nhau mất cả tiếng đồng hồ mới thấy đc giao thông hào dài và kiên cố như thế nào.
Câu chuyện này tôi nhớ lâu nhất sau gần 30 năm đến giờ , thi thoảng con trai coi ảnh chụp lúc papa 18 tuổi và hỏi Papa đã bắn đc thằng địch nào chưa ? Tôi trả lời : may mắn là chưa . Mà là "may" thật . Người Tầu họ cũng hiền lành chất phác như dân việt mình lính Tàu hay lính Việt mình bỏ mạng trông rất tội . Tôi đã chứng kiến lúc trên đường hành quân lên chốt Sìn Hồ thỉnh thoảng thấy vài chiếc Gat phủ bạt kín chạy ngược chiều . Đại trưởng Sơn rỉ tai : Xe chở xác lính đấy ! Tôi có hỏi anh biết à ? Đại trưởng Sơn kể hôm ở Phong thổ đi họp giao ban anh có nhảy bám càng xe Gát thì thấy tưng bó nylon buộc kín 2 đầu chất đầy sàn xe . Sau này định cư ở nc ngoài tôi có khá nhiều bạn thân là người nc ngoài . Tầu cũng có 1 số đồng thời cũng là đồng nghiệp luôn .Ở lớp học của con tôi cũng vậy có mấy đứa người TQ xinh xắn học rất giỏi chơi thân với cháu . Hôm nay sinh nhật con 17/2/2009 , cháu cũng viết thiệp mời bạn đến . Bản thân tôi rất ít khi kể quá khứ về bản thân mình cho con trai 12 tuổi nghe . Nhất là trong XH văn minh và hoà bình như thế này thì tôi lại ít kể về mình hơn, mọi khía cạnh . Tôi chỉ muốn rằng không có chữ "Chiến tranh" trong đầu nó .

PS ; Doan Trang

Tuy nhiên, thời kỳ mà các bài ca biên giới ra đời nhiều hơn cả, có lẽ là giai đoạn cuối những năm 70, đầu những năm 80 của thế kỷ trước.

Ngay trong đêm 17/2/1979, khi nghe tin chiến sự bùng nổ ở biên giới Việt - Trung, nhạc sĩ Phạm Tuyên đã viết ca khúc mở màn cho dòng nhạc “biên giới phía Bắc” thời kỳ này. Đó là bài Chiến đấu vì độc lập tự do, được dàn hợp xướng Đoàn ca nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam biểu diễn lần đầu tiên chỉ vài ngày sau đó. Ca từ rất hào hùng:

Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới,
gọi toàn dân ta vào cuộc chiến đấu mới...

Nhạc sĩ Phạm Tuyên cho biết thời gian đó, bài hát được phổ biến rất nhanh chóng. Ông còn nhớ như in: "Ngày 20/2/1979, thu thanh ở Đài Tiếng nói Việt Nam. Ngày 9/3, được đăng trên báo Nhân Dân… Sau đó được nghệ sĩ Tuyết Thanh đơn ca. Tháng 4, được đoàn Quân nhạc biểu diễn. Tháng 5, được dạy trên sóng đài phát thanh".

Ông kể thêm, về sau này, khi không khí chính trị và tình hình quan hệ Việt Nam - Trung Quốc đổi khác, một cách không chính thức, bài hát không còn được phổ biến nữa. Cách đây mấy năm, có nhà xuất bản muốn in nó trong một tuyển tập ca khúc của thời kỳ ấy, với điều kiện nhạc sĩ sửa lại một số từ. Ông gạt đi: “Bài hát nào ra đời cũng có giá trị lịch sử của nó. Lúc đó tôi sáng tác hoàn toàn từ cảm xúc của mình. Tình cảm chân thật thì làm sao chối bỏ được?”. Thế là biên tập viên đành bỏ bài hát ra khỏi tuyển tập...