Dienstag, 8. Januar 2008

Hà Nội ngập nặng trong lũ 11-2008


HÀ NỘI LŨ

Hà Nội ngập nặng trong lũ. Tin ấy ai cũng thương và muốn chia sẻ. Tôi cũng vậy.

Nhưng tự dưng lại thấy mắt mình cay cay khi thấy lũ Hà Nội và lũ miền Trung- nơi mà mùa lũ nào tôi và đồng nghiệp của tôi- những nhà báo đều có mặt để cứu trợ. Nhìn lũ Hà Nội, nghe người Hà Nội nói về cái cực trong lũ bỗng dưng thấy tủi thân...

Bỗng dựng lại muốn so sánh.

Một kỷ niệm: Năm 1983, huyện Triệu Hải tỉnh Quảng Trị bị một cơn lũ quét lịch sử. Tôi là nhà báo duy nhất bám theo được một chiếc thuyền máy ngược sông Thạch Hãn lên phía thượng nguồn Ba Lòng. Hoang tàn đến đau đớn. Nhà trôi, những xác chết chưa ai khâm liệm. Trẻ con vất vưởng ở chân những quả đồi đói khát. Thuyền chúng tôi không cập bờ được, chỉ ghé vào cách bờ một quãng rồi chúng tôi ném bánh mỳ vào bờ: Nơi đó có một đám trẻ con nheo nhóc và mấy con chó. Những ổ bánh mỳ cắm chéo xuống bùn, sát bờ. Lũ trẻ con lao ra lấy bánh mỳ. Lũ chó cũng lao ra cướp bánh mỳ. Người và chó dành nhau. Lũ trẻ khoẻ hơn nhưng cũng phái rất vất vã mới kéo giằng khỏi miệng lũ chó ổ mì. Ổ mì nhàu nát với bùn. Nhưng lũ trẻ ăn ngấu nghiến. Tôi đưa máy ảnh lên nhưng không bấm máy được vì nước mắt.

Kỷ niệm khác: Năm kia , tôi quyết định cùng với 2 đồng nghiệp bơi vào vùng rốn lũ của đồng bào Rục. Phải bơi vào vì bà con ngập lũ, bị cô lập 7 ngày mà mọi cấp lãnh đạo đều thả cho dân đói, không đoái hoài. Bà con Rục đói vì lũ, ăn cả nòng nọc
Chúng tôi kết mấy thân gỗ làm bè, bấu vào đấy, dầm trong nước lũ lạnh buốt suốt 4 giờ liền. Vào đến nơi mới hoảng hồn, bà con hết gạo ăn, hết sắn ăn, đã có nhà ăn cả con nòng nọc để sống. Chúng tôi phân phát bánh trái, mì tôm ít ỏi và ít gạo. Rồi chúng tôi lại khẩn cấp bơi ra ngay để kịp viết tin bài phản ánh và yêu cầu lãnh đạo địa phương cứu dân.

Bọ Vinh (đội mũ tai bèo) cùng PV Phan Phương, PV Minh Phong vượt lũ*Ảnh chụp khi đã vào gần bờ


Lại một lần khác, tôi cũng là nhà báo duy nhất có mặt sớm nhất tại khu vực lũ quét huyện Hương Sơn. Và sau đó một ngày, báo Lao Động là tờ báo đưa tin, ảnh, phóng sự sớm nhất về lũ quét Hương Sơn. Dọc đường 8, những người chết lũ được gia đình cho vào quan tài, để dọc đường ô tô vì lũ lớn, không đi chôn được. Quan tài đỏ nằm hai bên mép đường cùng với những tiếng kêu khóc ướt lạnh trong mưa lớn. Một thằng bé ngồi khóc bên đống bùn lớn. Hỏi sao cháu ngồi giữa trời mà khóc. Ba mẹ cháu trong ni. Trong ni là sao. Ba mẹ cháu bị lở núi, vùi trong ni, không ai đào được núi ra cứu ba mẹ. Tôi ôm ghì lấy cháu. Răng ba mẹ cháu lại bị vùi trong ni? Răng ba mẹ cháu lại bị vùi trong ni?

Rồi năm ngoái ở xã Châu Hoá huyện Tuyên Hoá, lũ về, cuốn trôi cha mẹ và một đứa con, nhà còn lại ba chị em gái. Một năm sau tôi lên lại thăm các cháu, thấy ba chị em đang đi tha thẫn dọc bờ sông lở lói. Sao các cháu đi ngoài đó, sao không vào nhà. Cô chị nói: hai đứa em cháu bắt cháu đưa chúng ra tìm ba mẹ cháu...Cháu nói ba mẹ và em ở trong mộ rồi. Hai em cháu không chịu...

Với bà con miền Trung, lũ là đói, rét, chết chóc...

Nhưng tối nay xem ti vi, người Hà Nội nói, lũ ngập không có rau xanh ăn, phải vô siêu thị mua thức ăn khô.

Nghĩ thế cũng rất thương nhưng sao ngoái lại nhìn bà con quê mình lại thấy sống mũi cay xè. Cái khổ của người thành phố mùa lũ lụt và cái khổ của bà con quê mình, có nên so sánh không?

Lại nghe cô bé phát thanh viên VTV1 thông báo là phóng viên nhà đài do lũ to không ra đường quay được, may có người dân quay rồi gửi hình ảnh lũ qua Email. Thế là nổi điên lên. Tiên sư chúng mày nhà báo công tử, nhà báo phòng lạnh, nhà báo salông. Lũ có thế mà không đứa nào ra đường quay, ghi lại, chép lại, chia sẻ với nhân dân, chỉ đứng trên tầng thượng nhà đài mà rút ống kính xuống đường. Phóng viên thường trú tại tỉnh lẻ như chúng tôi, lũ, bão là có mặt ngay lập tức bằng bất cứ giá nào, kể cả mạng sống của mình.


Bão số 5 uy hiếp Cảng Hòn La
Tôi có bức ảnh nổi tiếng in trên báo Lao Động năm ngoái. Bão. Cảng Hòn La ngập trong bão lớn. Tôi thấy nếu đứng xa chụp thì không phản ánh được sự dữ dội của bão. Tôi nhè vào đúng lúc một cơn sóng lớn đang chuẩn bị ập vào, tôi lao ra, bấm máy lia lịa và sau đó, cơn sống lớn đã trùm hết lên người tôi, đẩy bay tôi ra hơn hai chục mét, vùi trong cát, trong đá, toàn thân sây sát phải vào bệnh viện. Đổi lại, báo Lao Động có một bức ảnh bão để đời, bức ảnh chỉ có thể thực hiện khi phóng viên đứng ngay trong tâm bão.

Thế mà nước chỉ ngập đường, phóng viên nhà đài không ra được. Thấy ức với nghề.

Vài cảm nhận thế. Vẫn chia sẻ khó khăn với bà con Hà Nội nhưng khổ, cái chất nhà quê nó thế đấy các bác, thấy người ta cực bằng cái sướng của mình, lại tưng tức nóng mũi mà bình loạn...

Nếu có gì sai là do em " nhận thức còn hạn chế".
-----------------------------------------------------------------
  • Hà Nội mùa này phố cũng như sông...

    Cái rét đầu đông, chân em ngâm nhăn trong nước lạnh...

    Hoa sữa thôi rơi, em tôi bơi cả chiều trên phố...

    Đường Cổ Ngư xưa, ngập tràn nước sông Hồng.

    Hà nội mùa này chiều ko buông nắng...

    phố vắng nghiêng nghiêng vài phao bơi...

    Quán cóc liêu xiêu một ca nô.

    Hồ tây, Hồ Tây mất bờ...

  •