Sonntag, 22. März 2009

Ngành dầu khí và vấn đề an toàn năng lượng quốc gia

Mối đe dọa chính đối với an ninh năng lượng là khả năng bị thắt chặt nguồn cung ứng một cách bất ngờ khiến giá tăng đột biến, tạo ra cú shock chi phí làm tổn hại, thậm chí tê liệt hoạt động kinh tế cũng như sinh hoạt hàng ngày của đất nước. Vì thế, đảm bảo khả năng sử dụng năng lượng với giá rẻ và ổn định là mục tiêu cốt lõi của chiến lược an ninh năng lượng ở mỗi quốc gia.

Dự trữ dầu và khí đốt dưới lòng đất và biển của Việt Nam là một bảo đảm thiết yếu đối với an ninh năng lượng của đất nước. Trong trường hợp giá dầu nhiên liệu thế giới tăng đột biến như hồi 2007-2008, nguồn thu từ dầu mỏ khai thác được trong nước có thể dùng để trợ giá cho nguồn xăng dầu nhập từ nước ngoài. Tuy nhiên, trữ lượng dầu thô và khí đốt đã được tìm thấy của Việt Nam có vẻ như đang cạn dần.

Nguồn dầu thô của Việt Nam đang cạn dần

Nguồn dầu lửa và khí đốt của Việt Nam tập trung chủ yếu trên biển Đông. Theo số liệu thu thập vào tháng 6, 2007 thì hiện Việt Nam sản xuất khoảng 362 ngàn thùng dầu thô mỗi ngày. So với Việt Nam, sản lượng dầu mỏ do Trung Quốc sản xuất gấp 10,6 lần, do Indonesia sản xuất gấp 3 lần, do Ấn Độ sản xuất gấp 2,3 lần, do Malaysia sản xuất gấp 2 lần. Trong số các nước ASEAN có biển, VN đứng gần với Thái, chỉ trên Brunei và Singapore.

Bắt đầu từ khoảng 2004, sản lượng khai thác được của Việt Nam đã bắt đầu đi theo đà suy giảm rõ rệt. Năm 2004 được 20.35 triệu tấn, năm 2005 giảm xuống còn 18.84 triệu tấn, năm 2006 còn 17.25 triệu tấn và năm 2007 ước lượng chỉ có 16.12 triệu tấn.

Nếu không tìm ra được các nguồn dầu lửa mới, và nếu không tính các nguồn dầu khai thác ở nước ngoài, thì sản lượng dầu mỏ khai thác được của Việt Nam được dự báo sẽ liên tục suy giảm và chỉ còn khoảng 3 triệu tấn/năm vào năm 2025. Nói cách khác, nếu không tìm thấy các nguồn dầu mỏ mới, Việt Nam sẽ gần như cạn kiệt nguồn dầu lửa trong vòng khoảng 15 năm.


Trong khi các nguồn dầu và khí đốt được tìm thấy đang cạn dần, để tìm kiếm các nguồn mới đòi hỏi Việt Nam phải thực hiện các dự án tìm khiếm và khai thác phức tạp hơn nhiều. Thí dụ, các nguồn dầu chưa được tìm thấy phân bổ chủ yếu ở các vùng nước sâu xa bờ, không thuận tiện về vận chuyển, lại thường xuyên bị Trung Quốc phản đối và tìm cách phá hoại[i].

Việc khai thác nhiên liệu ở vùng Nam Côn Sơn lại gặp phải vấn đề áp xuất cao, nhiệt độ cao, vừa khó giải quyết về mặt kỹ thuật vừa tốn kém. Thêm nữa, các vùng thăm dò – khai thác ở miền Bắc thường có tỉ lệ CO2 rất cao (70-90%) gây ra thách thức lớn về mặt mặt kỹ thuật và môi trường. Có một số vùng có trữ lượng dầu đủ lớn để có ý nghĩa về thương mại, nhưng lại phân bố dưới nền đá granite. Với những vùng này, việc thăm dò và khai thác là đặc biệt phức tạp.

Hiểm họa của an ninh năng lượng có thể đến từ cấu trúc thị trường

Ngoài các nguyên nhân khách quan như khủng hoảng nhiên liệu toàn cầu, một trong những nguồn gốc quan trọng nhất của khủng hoảng năng lượng đến từ cấu trúc thị trường cung cấp năng lượng của quốc gia. Khi cấu trúc thị trường năng lượng bất hợp lý, tình giá năng lượng trong nước tăng cao có thể xảy ra mà không cần các tác động từ bên ngoài.Trường hợp này có thể xảy ra trong các thị trường năng lượng tự do nhưng không được điều tiết tốt, hoặc trong các thị trường năng lượng do nhà nước quản lý.

Trong các thị trường tự do nhưng không được điều tiết tốt, các doanh nghiệp có thể đơn phương hoặc thỏa thuận với nhau để “làm giá”. Công cụ chính của họ là siết chặt nguồn cung, tạo ra khan hiếm năng lượng giả tạo và đẩy giá lên.

Trong các thị trường năng lượng do nhà nước quản lý, nhà nước là người quyết định mức giá cả. Vì thế, bề ngoài thì có vẻ như việc tăng giá vô lý là không thể xảy ra. Tuy nhiên, trên thực tế thì lại khác.

Nhà nước quyết định giá nhưng trên cơ sở chi phí mà các doanh nghiệp báo cáo. Nếu thị trường là thị trường cạnh tranh, các doanh nghiệp phải cạnh tranh với nhau nên họ ít có khả năng khai báo chi phí cao bừa bãi. Nhưng nếu thị trường chỉ gồm một vài doanh nghiệp, hoặc cực đoan là chỉ có một doanh nghiệp độc quyền, thì doanh nghiệp này có thể tùy tiện khai báo chi phí kinh doanh. Khi định giá, nhà nước sẽ phải đảm bảo những doanh nghiệp này có mức lợi nhuận nhất định.

Nói cách khác, bằng cách đội chi phí kinh doanh lên, doanh nghiệp có thể buộc nhà nước phải tăng giá xăng dầu trong nước. Vấn đề này tồn tại khá lâu ở Mỹ trong các thập kỷ 60-80. Trong suốt thời kỳ này, chính phủ Mỹ thử nhiều công cụ để xác định giá, nhưng tóm lại là càng quản lý chặt thì giá càng tăng.

Thị trường nhiên liệu của Việt Nam kém hiệu quả

Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam (PetroVietnam) là công ty độc quyền ở VN trong lĩnh vực kinh doanh dầu khí, bao gồm cả thượng nguồn (khai thác, tinh lọc và bán buôn), hạ nguồn (bán lẻ) và phân phối. Kể từ tháng 1, 2007, PetroVietnam đã trở thành một tập đoàn kinh doanh đa chức năng, bao gồm cả các lĩnh vực như bất động sản, tài chính, bảo hiểm, ngân hàng, giáo dục, khách sạn, văn phòng, du lịch và các lĩnh vực khác.

Chính phủ Việt Nam quản lý mặt bằng giá trên thị trường năng lượng. Trong những thời điểm nhất định, chính phủ sử dụng ngân sách để hỗ trợ giá. Trong các thời điểm khác, chính phủ có thể tạm thời thả nổi giá năng lượng.

Vì các đặc điểm này, thị trường dầu khí của Việt Nam có thể rơi vào bẫy giá cả của doanh nghiệp khi họ đẩy chi phí lên cao. Để xem thị trường dầu khí của Việt Nam hoạt động hiệu quả đến đâu, chúng tôi thử so sánh mức giá xăng bán lẻ ở Việt Nam và ở Hoa Kỳ trong các năm từ 2002 tới 2008.

Trong suốt thời gian này, chỉ có hồi tháng 3, 2007 là giá xăng ở Hoa Kỳ cao xấp xỉ ở Việt Nam. Với các tháng còn lại, giá xăng ở Hoa Kỳ đều thấp hơn ở Việt Nam. Đặc biệt, vào tháng 11 năm 2008, giá xăng ở Mỹ chỉ có 2,42 USD một gallon trong khi ở Việt Nam là 3,76 USD một gallon -bằng 1,5 lần giá xăng ở Mỹ.

Có thể lý giải mức chênh lệnh này do chênh lệch về chi phí vận tải. Một khối lượng lớn xăng dầu bán lẻ trên thị trường Mỹ được sản xuất từ trong nước. Vì thế, tính trung bình chi phí vận tải trên một gallon có thể rẻ hơn ở Việt Nam. Tuy nhiên, theo ước tính của David Dapice hồi năm 2002, chi phí vận chuyển xăng dầu từ nước ngoài vào Việt Nam của năm 2002 không thể cao hơn mức 11 USD/ton, có nghĩa là chỉ có 3.5 cents/gallon. Cứ giả sử mức chi phí này tăng gấp đôi tính từ năm 2002, như vậy chi phí vận tải chỉ là 7 cents tính trên một gallon. Trong khi đó, tính trung bình, trênh lệch về giá giữa một gallon xăng A92 ở VN và một gallon xăng A92 ở Mỹ lên tới hơn 40 cents.

Như vậy, mặc dù được nhà nước quản lý về giá, được hỗ trợ giá trong các thời điểm giá nhiên liệu thế giới tăng cao, được ưu đãi về chính sách thuế, giá xăng dầu bán lẻ ở Việt Nam vẫn cao hơn ở Mỹ khoảng 10%.Vì thị trường xăng dầu ở Mỹ là thị trường tự do và không được trợ giá, sự trênh lệch này có thể dẫn tới kết luận rằng thị trường nhiên liệu của Việt Nam hoạt động không mấy hiệu quả.

Chiến lược đầu tư không trên cơ sở hiệu quả kinh tế

Nói đến ngành dầu khí của VN, không thể không nhắc tới dự án lọc dầu Dung Quất. Về mặt chiến lược, có lẽ khi đứng ra quyết định thi hành dự án này, CP đã nhắm tới xây dựng năng lực cung cấp xăng dầu cho thị trường trong nước mà không cần phải phụ thuộc vào việc nhập khẩu từ nước ngoài. Công xuất tối đa của nhà máy này cho phép lọc được 6,5 tấn dầu mỗi năm, đáp ứng được khoảng 33% nhu cầu tiêu dùng trong nước.

Dung Quất sẽ giảm bớt nhu cầu nhập khẩu dầu của Việt Nam, nhưng không giúp Việt Nam tránh được các cú shock về giá trên thị trường thế giới. Hơn nữa, theo khẳng định của ông Đinh Văn Ngọc, phó trưởng ban quản lý dự án nhà máy lọc dầu Dung Quất thì giá xăng dầu mà nhà máy này bán ra khó có thể thấp hơn giá nhập khẩu.

Và điều này bắt nguồn từ một thực tế được David Dapice nói tới từ hồi năm 2003. Theo tính toán của ông, chi phí để xây dựng nhà máy này quá lớn (1.5 tỉ Mỹ kim hồi năm 2003, hiện nay đã là 3,15 tỉ Mỹ kim) và VN phải đi vay với lãi xuất tương đối cao để xây dựng. Trong khi đó, giá trị gia tăng của một tấn dầu sau khi lọc không cao (khoảng 11 Mỹ kim một cho một tấn).

Với công suất lọc 6,5 triệu tấn một năm, và với giá trị gia tăng là 11 USD/một tấn, Dung Quất chỉ có thể tạo ra được một giá trị gia tăng là 72 triệu USD mỗi năm. Trong khi chi phí cho nhà máy này, bao gồm tiền lãi phải trả hàng năm lên tới 200 triệu Mỹ kim. Như vậy mỗi năm nhà nước phải bù lỗ khoảng 130 triệu USD.

Và đó mới chỉ là con số tiền lỗ dựa theo cách tính của David Dapice khi chi phí cố định của Dung Quất là 1,5 tỉ Mỹ kim. Hiện nay chi phí này đã lên tới 3,15 tỉ Mỹ kim. Số tiền phải bù lỗ hàng năm nếu tính lại sẽ khoảng 280 triệu USD mỗi năm.

Trong khi số liệu nguồn về giá trị gia tăng trên một tấn dầu được lọc mà David Dapice sử dụng có thể không còn đúng tính đến thời điểm này, phép tính sơ lược của ông cũng là một chỉ báo đáng được quan tâm. Cùng với khẳng định của ông Đinh Văn Ngọc về việc Dung Quất không thể bán giá xăng dầu rẻ hơn giá nhập khẩu, có thể khẳng định nhà máy này sẽ không có lãi khi đi vào vận hành.

Như vậy, mặc dù chiến lược đầu tư vào xây dựng năng lực lọc dầu của quốc gia có vẻ như đúng đắn, việc thực hiện nó đã không được như mong đợi. Dự án Dung Quất không phải là dự án hiệu quả xét trên khía cạnh chi phí – lợi ích. Và ảnh hưởng của quyết định thiếu sáng suốt này sẽ lâu dài đối với Việt Nam.

Tóm lại, an ninh năng lượng của Việt Nam đang và sẽ là vấn đề nghiêm trọng cần phải giải quyết. Nguồn dầu thô phát hiện được của VN đang cạn dần. Các nguồn dầu mới nếu có tìm được thì cũng ở trong những địa bàn phức tạp, khó khai thác. Năng lực lọc dầu của VN vẫn chỉ chiếm một phần nhỏ so với nhu cầu tiêu thụ trong nước và vì thế về dài hạn VN vẫn sẽ phải tiếp tục dựa vào nguồn xăng dầu nhập khẩu. Trong khi đó, những vấn đề như cấu trúc thị trường kém hiệu quả cùng với các chiến lược đầu tư không dựa trên hiệu quả kinh tế sẽ tiếp tục là những gánh nặng cho người tiêu dùng Việt Nam, và cũng là sức cản cho sự phát triển của nền kinh tế VN nói chung.
Dự Trần
Bài đăng lần đầu trên Tuần Việt Nam, Tháng 3, 2009.

Munich the Sunday 21-3-09